GiadinhNet – Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% tổng dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, khiến nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần phải nhanh chóng được lấp đầy.
Trong thời gian 2 tiếng diễn ra giao lưu, vì thời lượng chương trình có hạn nên các chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi gửi đến sớm nhất và có nội dung bao trùm. Các câu hỏi còn lại xin hẹn quý bạn đọc trong chương trình giao lưu sau.
Quý bạn đọc vui lòng theo dõi các câu hỏi đã được trả lời ở phần giao lưu phía dưới bài viết này.
Theo Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị.
Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy giảm. Khi tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên), đã đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn.
Tình trạng sức khỏe người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác. Tuổi càng tăng thì tỉ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm viện càng dài. Do hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật là các bệnh không lây nhiễm đang nhanh chóng trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi. Và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những thập niên tới. Đồng thời chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, gánh nặng lớn về nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là điều không tránh khỏi.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Để cung cấp một bức tranh về thực trạng, các giải pháp cần thiết và kịp thời để chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, nhằm thích ứng với xã hội già hoá, góp phần nâng cao chất lượng sống và phát huy vai trò của người cao tuổi đối với gia đình, cộng đồng, xã hội, Báo Sức khoẻ và Đời sống phối hợp cùng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030” vào lúc 14h00 ngày 25/11 trên chuyên trang điện tử Giadinh.net.vn.