Để giải quyết tình trạng mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền cao, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới xác định đổi mới nội dung, tuyên truyền, vận động về công tác dân số là điều cần thiết.
Còn chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền
Những năm gần đây, sau khi Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu giảm sinh, số lượng nghiên cứu xã hội học về mức sinh cũng như về dân số nói chung có chiều hướng giảm rõ rệt, song thực tế hiện nay chúng ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, các đối tượng.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, hiện có 33 tỉnh có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con) với quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm hơn 41% dân số cả nước, tập trung tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế – xã hội còn rất khó khăn. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp với quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm gần 40% dân số cả nước, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung; 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế.
Nguyên nhân khiến mức sinh thấp được đưa ra là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con… Các chuyên gia về dân số – kế hoạch hóa gia đình cho rằng, đây là những thách thức lớn đối với công tác dân số trong tương lai.
Điều chỉnh mức sinh là giải pháp giữ ổn định dân số ở các địa phương
Ngoài ra, dù nước ta đạt được mức sinh thay thế nhưng lại có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền cao. Điều này dẫn đến sự mất cân đối về dân số và phát triển xã hội. Cụ thể, những vùng cao hơn mức sinh thay thế chủ yếu là những vùng khó khăn, kém phát triển; điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao ở vùng đó rất thiếu thốn. Còn những vùng kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… mức sinh thay thế lại rất thấp, nếu kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Điều này sẽ tạo ra sự chênh lệch về mặt chất lượng dân số.
Mở rộng hình thức truyền thông
Việc điều chỉnh mức sinh hợp lý mang ý nghĩa sống còn không chỉ với chính sách dân số mà với các chính sách quốc gia. Bởi con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển trong xã hội hiện đại. Sự bất ổn về cơ cấu, quy mô dân số sẽ gây hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia.
Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25.10.2017, của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định, quan điểm dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Theo đó, đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh vào năm 2030.
Đồng thời, theo mục tiêu được đặt ra tại Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế; các địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Còn các địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít.
Ngoài ra, việc đa dạng hóa các kênh truyền thông đã giúp người dân được tiếp cận các kiến thức về công tác dân số một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của bản thân trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo đó, mở rộng hình thức truyền thông thông qua việc cử cán bộ truyền thông chuyên biệt dành cho vị thanh niên, thanh niên để thực hiện các hình thức giáo dục, truyền thông thân thiện như giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ, góc thân thiện, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tổ chức thi tìm hiểu về các sản phẩm truyền thông; lồng ghép truyền thông dân số vào các hoạt động cộng đồng như văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí của vị thanh niên, thanh niên.
Trong bối cảnh hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cần khai thác tối ưu hiệu quả của các kênh truyền thông hiện đại nhằm tăng lượng độc giả, lượng tương tác, đặc biệt là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho thu hút, hấp dẫn công chúng, nhất là đối với tầng lớp thanh thiếu niên, những người đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và gia đình.