GiadinhNet – Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở khu vực phía Nam đã khai mạc sáng 10/10 tại Bạc Liêu.
Màn chào hỏi của đoàn Tiền Giang tại Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở khu vực phía Nam. Ảnh: Đỗ Bá |
Vui như ngày hội
Ngay từ sáng sớm, khu vực Trung tâm Hội nghị tỉnh Bạc Liêu đã rộn ràng, nhộn nhịp. 20 đội đến từ 20 địa phương đã tham gia tranh tài với 2 nội dung dự thi: “Chào hỏi” và “Tiểu phẩm”.
Những cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở hóa thân thành những diễn viên trên sân khấu lung linh! 7h30, hội trường đã chật kín khán giả. Những tràng trống của các cổ động viên, tiếng reo hò liên tục khiến khán phòng như muốn vỡ tung. Liên hoan thực sự là một ngày hội của đội ngũ những người làm công tác dân số.
Trong không khí náo nức ấy, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã chào mừng, cảm ơn sự hiện diện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Bạc Liêu, đặc biệt là của các đại biểu, thành viên 20 đội tuyên truyền viên đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ Liên hoan cấp huyện, tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
“Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở khu vực phía Nam là sân chơi bổ ích, là nơi thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về DS-KHHGĐ của 100 cán bộ, cộng tác viên dân số tiêu biểu của 20 tỉnh, thành. Liên hoan là một trong những hoạt động thiết thực của ngành DS-KHHGĐ hưởng ứng tháng Hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay…”- Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Liên hoan.
Tiểu phẩm của đoàn Cà Mau đả kích ham muốn “ép vợ” sinh bằng được con trai của những ông chồng. Ảnh: Đỗ Bá |
Phản ánh kịp thời các vấn đề nóng của ngành
Hai mươi tiểu phẩm tham gia khiến Liên hoan kéo dài từ sáng đến hơn 18h tối, song không khí hào hứng không hề suy giảm, càng về sau càng “nóng” hơn. Kịch nói là loại hình biểu diễn được đa số địa phương lựa chọn.
Nếu Bình Dương giới thiệu đến khán giả mô hình dân số “lạ” gồm thổ địa dân số, gia đình Táo dân số 1 bà 2 ông khiến người xem cười vỡ bụng, thì Tiền Giang lại dàn dựng hoạt cảnh múa hát sinh động nhằm chuyển tải hình ảnh về đội ngũ “vác tù và hàng tổng”. Bình Phước ghi dấu ấn với hình ảnh già làng làm dân số. TP HCM lại chọn cách thể hiện hoành tráng, hiện đại như để xứng tầm với đô thị có quy mô dân số đông nhất nước. Nói vè, hát lý, hò, vọng cổ… đủ thể loại âm nhạc đã được 20 đội sử dụng “phổ” vào các tiết mục màn chào hỏi, cộng với phục trang, đạo cụ công phu khiến cuộc thi càng thêm phần sinh động, hấp dẫn.
Lại có tiểu phẩm được dàn dựng như một vở cải lương thực sự, các diễn viên “tay ngang” hát “mùi” đến độ cả hội trường im phăng phắc để lắng nghe từng câu “xuống xề” ngọt lịm. Tiết mục “Trai nhâm gái quý” do đoàn Trà Vinh thể hiện là điển hình trong số các tiểu phẩm cải lương ấy. Các diễn viên với giọng hát ngọt lịm vào vai các thành viên trong một gia đình có anh chồng “ép” vợ “phải sinh bằng được” cậu quí tử vào năm Nhâm Thìn. Và vô số hệ lụy cười ra nước mắt với quan niệm cổ hủ ấy.
Như diễn viên chuyên nghiệp!
Hầu hết các vấn đề nóng trong hoạt động DS-KHHGĐ hiện nay và thời gian tới đều được phản ánh qua các tiểu phẩm. Lựa chọn giới tính trước khi sinh khiến tình trạng mất cân bằng giới tính gia tăng được nhiều địa phương chọn thể hiện…
Sự cần thiết của khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân là nội dung khá mới được đề cập trong tiểu phẩm “Cảm ơn điểm tư vấn” của đoàn TP HCM. Nếu không nhờ điểm tư vấn, có lẽ cuộc tình duyên của hai nhân vật trong tiểu phẩm với nhân vật nam bị mắc chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh, có nguy cơ vô sinh. Qua tiểu phẩm này, thông điệp được truyền tải rõ ràng: Điểm tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ sớm trở thành một trợ thủ đắc lực giúp ngành DS-KHHGĐ hoàn thành nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số.
Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con như các đoàn Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An…
Nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Oanh, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: Chị hết sức khâm phục khả năng diễn xuất trên sân khấu của các diễn viên. “Các anh chị diễn không kém gì các diễn viên chuyên nghiệp. Qua Liên hoan này, tôi lại được nạp thêm nhiều kiến thức về dân số/chăm sóc SKSS. Mong rằng tôi sẽ được đồng hành với các anh chị làm một tuyên truyền viên dân số trong thời gian tới ”. Câu nói của Kim Oanh được khán phòng ủng hộ nhiệt liệt.
Đến giờ G- giây phút hồi hộp nhất tại mỗi cuộc thi. Trong khi MC thông báo kết quả, các Trưởng đoàn tay trong tay thể hiện tình đoàn kết, gắn bó. Nhất, nhì không quan trọng! Quan trọng nhất là những người làm công tác dân số cơ sở khu vực phía Nam đã có một sân chơi hết sức lý thú, một cơ hội sẻ chia kinh nghiệm trong công việc.
Bà Châu Tuyết Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Bạc Liêu – đơn vị địa phương phối hợp cùng Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức Liên hoan, bày tỏ: “Tôi hết sức vui mừng vì sự kiện truyền thông lớn của ngành đã diễn ra tốt đẹp. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các đơn vị bạn đã cùng hội tụ về Bạc Liêu, cảm ơn sự hỗ trợ hết lòng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố, giúp tổ chức thành công Liên hoan. Ông Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói ngắn gọn “Quá tuyệt vời !” khi được hỏi về cảm nhận từ hàng ghế khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở nên tổ chức 2- 3 năm/1 lần chứ 5 năm mới tổ chức thì… lâu quá! |
Thanh Giang