GIÀ HÓA DÂN SỐ TẠI VIỆT NAM SẼ TÁC ĐỘNG SÂU SẮC TỚI AN SINH XÃ HỘI, VIỆC LÀM

0
374

(LĐXH)- Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh (dự kiến bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2038), sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, việc làm…

Chiều 15/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển tổ chức Hội nghị triển khai công tác Ban Chỉ đạo năm 2024. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21) đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, “đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy những thách thức đặt ra đối với công tác dân số và phát triển vẫn còn phức tạp như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh thấp, di cư…
Nhấn mạnh tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Tuy nhiên, những thách thức lớn đối với công tác dân số và phát triển hiện nay cho thấy sự suy giảm về nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển; thiếu chỉ đạo thống nhất, nhất quán từ Trung ương đến địa phương; nơi cần tăng mức sinh thì lại giảm và ngược lại…
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu, bổ sung vào nội dung sơ kết Nghị quyết số 21; tham khảo kinh nghiệm về công tác dân số của các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhận thức chính xác, đúng đắn, đầy đủ nội hàm, tầm quan trọng của chính sách dân số và phát triển; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực dân số và phát triển; tham mưu phương án tổ chức bộ máy trong lĩnh vực dân số đồng bộ, thống nhất, kèm theo phương án bố trí kinh phí, nhân sự hoạt động.
Bộ Y tế cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ thu thập, thống kê các chỉ tiêu dân số; làm rõ những nội dung trong hoạt động quản lý nhà nước về dân số, nhất là chế độ kiểm tra, báo cáo…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, quy mô dân số năm 2023 của Việt Nam khoảng 100,3 triệu dân, tốc độ tăng dân số 0,84%. Số lượng và tỷ trọng dân số đang trong độ tuổi lao động chiếm gần 70% dân số, trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, tư vấn sức khỏe sinh sản; giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Song, quy mô dân số lớn cũng gây áp lực đối với hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường đô thị, nông thôn. Đáng chú ý, mô hình dân số Việt Nam đang có nghịch lý như mức sinh thay thế ở miền núi cao hơn đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị; nhóm đối tượng nghèo nhất thường sinh nhiều con hơn so với các nhóm còn lại. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (104 – 106 bé trai/100 bé gái)…/.
Nguồn: Tạp chí Lao động và Xã hội
Thông tin chi tiết xem tại đây