VIỆT NAM BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN GIÀ HÓA DÂN SỐ: XÂY DỰNG LUẬT DÂN SỐ THEO HƯỚNG THÍCH ỨNG

0
50
Báo cáo tại Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024 cho thấy công tác dân số còn nhiều khó khăn, hạn chế, tác động trực tiếp đến phát triển bền vững của đất nước. (Nguồn: Cục DS)
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới, điều này đã và đang có ảnh hưởng, tác động toàn diện đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, Pháp lệnh Dân số hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Đối diện với chỉ số già hóa tăng nhanh

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên, một số nước quy định người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một quốc gia sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân. Đến 2050, có 64 quốc gia “siêu già”.

Bên cạnh việc gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển, thì gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững dẫn đến xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu. Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, Luật Người cao tuổi quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Điều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nêu trên kéo dài hàng trăm năm.

Giai đoạn 2009 – 2019, dân số tăng bình quân 1,14%/năm, trong khi dân số cao tuổi tăng bình quân 4,35%/năm, bình quân tăng 400 nghìn người cao tuổi/năm, nhưng từ 2019 – 2021, bình quân tăng 600 nghìn người cao tuổi/năm. Chỉ số già hóa (số người cao tuổi trên 100 trẻ em dưới 15 tuổi) tăng nhanh từ 2009, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nói: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”. Thật vậy, cơ cấu dân số thay đổi theo xu hướng già hóa sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện tới đời sống kinh tế – xã hội cũng như việc duy trì nguồn lực phát triển trong tương lai ở các khía cạnh như: ổn định tình hình chính trị; kinh tế; quản lý, bảo đảm an sinh xã hội; văn hóa; bảo vệ quốc phòng – an ninh. Quá trình già hóa dân số tại Việt Nam có nhiều tác động tiêu cực, dự báo trực tiếp làm giảm 2,6 điểm phần trăm GDP vào năm 2030 và 5,4 điểm phần trăm GDP vào năm 2045…

Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề an sinh xã hội. (Ảnh: Raconteur)

Tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số

Để có thể chủ động ứng phó tốt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về chính sách, pháp luật.

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, sửa đổi Điều 10 năm 2008. Qua 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đơn cử như các vấn đề dân số và kinh tế, xã hội hiện nay đã có những thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Pháp lệnh (tại thời điểm ban hành Pháp lệnh Dân số, Việt Nam chưa đạt mức sinh thay thế (đạt từ năm 2006); vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chưa nổi lên và ở mức nghiêm trọng (bắt đầu từ những năm 2006 – 2007); chưa xuất hiện cơ cấu dân số vàng (từ năm 2007) và bước vào giai đoạn già hoá dân số (từ năm 2011).

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số và bảo đảm cho các quy định về dân số phù hợp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (ví dụ quy định “Tuyên truyền và tư vấn về kế hoạch hoá gia đình” theo Điều 11 Pháp lệnh Dân số không còn phù hợp khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển)…

Theo Bộ Y tế, cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21-NQ/TW; có các biện pháp giải quyết xu hướng già hoá dân số trong thời gian tới, tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao… nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới.

Luật Dân số cần khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số, đó là: còn nhiều nội dung chưa phù hợp khi thể chế hoá quan điểm của Đảng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số; thiếu quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các chủ thể trong thực hiện các biện pháp công tác dân số; thiếu quy định cụ thể về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, mức ưu tiên, biện pháp thực hiện đối với một số đối tượng đặc thù trong sử dụng các dịch vụ dân số; đối với vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp công tác dân số…

Dự kiến tháng 12/2024 trình Chính phủ Dự án Luật Dân số

Ngày 2/8/2024, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024. Báo cáo cho thấy, tuy đã đạt được một số kết quả, song công tác dân số còn nhiều khó khăn, hạn chế, tác động trực tiếp đến phát triển bền vững của đất nước như: xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều…

Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2024 và định hướng năm 2025. Theo đó, Cục Dân số sẽ là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và tập trung vào hoàn thiện thể chế, cụ thể là chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Dân số để trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 10; trình Chính phủ vào tháng 12/2024. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới…

Nguồn: Báo Pháp Luật

Thông tin chi tiết xem tại đây