Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát mức sinh và dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức mới, đó là mức sinh giảm. Thực trạng này không chỉ tác động đến cấu trúc dân số mà còn dẫn đến những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế, xã hội và chính sách an sinh.
Ảnh hưởng của mức sinh giảm
Những năm gần đây, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã có xu hướng giảm rõ rệt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất ở Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh giảm đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức sinh thấp, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Các chuyên gia đánh giá với tỷ lệ sinh giảm, lực lượng lao động trẻ sẽ ngày càng thiếu hụt, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trong độ tuổi lao động cũng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng nếu không có biện pháp thích hợp, giai đoạn này sẽ nhanh chóng kết thúc, đất nước sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực lao động bị suy giảm, năng suất lao động thấp, áp lực lớn về chi phí an sinh xã hội, đặc biệt là chi phí chăm sóc y tế và hưu trí.
Sự giảm tỷ lệ sinh dẫn đến cơ cấu dân số thay đổi với tỷ lệ người già ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% dân số, trong khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) sẽ giảm. Sự thay đổi này đặt ra áp lực lớn về hệ thống chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để đối phó.
Theo các chuyên gia, những thay đổi về nhận thức và lối sống, bao gồm sự gia tăng trong tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và sự chuyển dịch từ gia đình nhiều con sang gia đình ít con, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sinh. Theo thống kê hiện nay 70% phụ nữ tham gia trong lực lượng lao động. Con số này khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều gia đình trẻ ngày nay lựa chọn sinh ít con để tập trung vào sự nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái ngày càng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn sinh ít con hoặc không sinh con. Đặc biệt ở các thành phố lớn, chi phí sinh hoạt, học hành và y tế tăng cao làm giảm khả năng kinh tế của các gia đình.