ĐỀ XUẤT CẶP VỢ CHỒNG, CÁ NHÂN TỰ QUYẾT ĐỊNH SỐ CON

0
285

Bộ Y tế đề xuất cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Theo đề cương dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất  quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.

Cụ thể, cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

Về nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân, thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.

Khuyến khích mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự nguyện thực hiện các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước về công tác dân số phù hợp với từng thời kỳ.

Theo Bộ Y tế, quy định quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Cùng với việc thực hiện định hướng của Đảng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thực hiện Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, việc không quy định số con sẽ phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế.

Tốc độ tăng dân số nước ta năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh quy mô dân số, hiện nay, tốc độ tăng dân số là 1,05%/năm thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm) ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm của giai đoạn 2009-2019 là 1,14% thấp hơn giai đoạn 1999-2009 là 1,18%. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%.

Do khống chế được tốc độ gia tăng dân số nên quy mô dân số tăng chậm. Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm hàng chục triệu người nếu không thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đây là thành công lớn mà Chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình đã đạt được, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với điều kiện kinh tế – xã hội của nước trong thời gian qua.

Kết quả công tác dân số cũng đã làm tăng GDP bình quân đầu người, an ninh lương thực được đảm bảo, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp để tạo việc làm, cơ cấu việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, giảm tỉ lệ thất nghiệp; phát triển thị trường xuất khẩu lao động; tăng năng suất lao động và nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng; thực hiện giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đồng thời phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhiều lao động trẻ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại thì sẽ có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước một cách mạnh mẽ.

Nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại

Ngoài ra, thực hiện các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước sẽ kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, tránh được già hoá dân số nhanh để có nguồn nhân lực phát triển đất nước bền vững.

Duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Kết quả này giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh. /.

Nguồn: Báo Điện Tử Chính Phủ

Thông tin chi tiết xem tại đây