Liên tiếp những năm gần đây, mức sinh tại TPHCM có xu hướng giảm, từ 1,39 con/phụ nữ (năm 2022) xuống còn 1,32 con/phụ nữ (năm 2023) – không đạt mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,1 con/phụ nữ). Các chuyên gia cảnh báo, nếu tỷ suất sinh tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Em bé chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM)
Ngại kết hôn, lười sinh con
Áp lực kinh tế, công việc bận rộn… là những lý do khiến không ít phụ nữ tại TPHCM ngại sinh con thứ hai. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Anh (ngụ TP Thủ Đức), có con gái lớn đã 11 tuổi, nhưng cả hai vợ chồng không có ý định sinh thêm con. Theo anh, nuôi một đứa trẻ ở TPHCM phải tốn rất nhiều chi phí từ ăn uống, sinh hoạt, học hành…, nếu sinh nữa hai vợ chồng anh không kham nổi.
Còn với chị Nguyễn Thùy Linh (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình), dù không bị áp lực về kinh tế khi có chồng làm việc cho một công ty đa quốc gia nhưng cả hai vợ chồng quyết định chỉ sinh một con. “Một hay hai con không quan trọng, quan trọng là phải chăm lo, nuôi dạy con thật tốt. Nếu sinh con ra mà không lo cho con bằng bạn bằng bè, tôi nghĩ không nên sinh tiếp nữa. Sinh con là phải có trách nhiệm đảm bảo cho con một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, tình cảm”, chị Nguyễn Thùy Linh nêu quan điểm.
Theo số liệu của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2023, con số này chỉ còn 1,32. Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai.
Bên cạnh đó, hiện nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn và chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, muốn có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân hơn là sinh nhiều con.
TPHCM đang là một trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp của cả nước. Mức sinh giảm sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số trong tương lai. “Xu hướng phụ nữ sinh đẻ ít khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trở nên hiện hữu. Bên cạnh đó, nhiều gia đình lựa chọn chỉ sinh 1 con theo công thức 4-2-1 (nghĩa là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ sẽ chăm sóc 1 đứa trẻ) thì trong tương lai sẽ theo chiều hướng đảo ngược 1-2-4 (1 đứa trẻ có thể sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại)”, ông Phạm Chánh Trung cảnh báo.
TPHCM: Tốc độ già hóa dân số quá nhanh TPHCM đã bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2017 và tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Hiện thành phố có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,5%). Năm 2022, số này là 11% và dưới 10% ở những năm trước.
Nguyên nhân do mức sinh, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Già hóa dân số tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…
Thách thức khó thay thế?
Trong Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, UBND TPHCM đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ. Quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030. Vấn đề giảm tỷ lệ sinh, ngại kết hôn, ngại sinh con ở TPHCM đang là một thách thức lớn cho mục tiêu này.
Một cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM)
Mức sinh giảm không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, còn có những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế – xã hội và chính sách an sinh và cần sự chung tay tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó quan trọng là có những chính sách để người dân yên tâm hơn khi quyết định sinh và nuôi con.
Để giải quyết vấn đề này, cần có những biện pháp thực hiện đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc thay đổi nhận thức của người dân thành phố. Việc khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.
Theo ông Phạm Chánh Trung, hiện TPHCM nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng dân số, tập trung giải quyết các vấn đề: khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân; nâng cao tỷ lệ nam và nữ thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, duy trì cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao nhận thức của người dân về mức sinh thấp và độ tuổi kết hôn muộn…
Hôm nay, TPHCM tổ chức lễ phát động “Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp và kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7”.
Chương trình nhằm cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về hệ lụy của mức sinh thấp đối với gia đình và xã hội, lan tỏa thông điệp truyền thông vận động người dân “sinh đủ hai con”; kiểm soát giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Đề xuất cặp vợ chồng, cá nhân tự quyết định số con
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.
Tại dự án luật này, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, cá nhân, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập; đề xuất quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con.
Cụ thể, cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.
Về nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân, thực hiện chính sách, pháp luật về dân số; bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt; bình đẳng trong thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Theo Bộ Y tế, quy định quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
MINH NAM
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan:
Đồng bộ chính sách khuyến sinh
Trong những thập niên qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát mức sinh và dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nước ta đang phải đối mặt với một thách thức mới: mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh.
Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trong độ tuổi lao động cũng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước. Giảm tỷ lệ sinh cũng dẫn đến cơ cấu dân số thay đổi với tỷ lệ người già ngày càng tăng, đặt ra áp lực lớn về hệ thống chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để đối phó. Việc nhận diện và đề ra các biện pháp khuyến sinh phù hợp là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Nếu như trước đây, chúng ta khuyến khích “mỗi gia đình nên có một đến hai con để nuôi dạy cho tốt” thì bây giờ cần thay đổi, điều kiện tiên quyết vẫn là khả năng kinh tế của từng nhà, không thể kêu gọi một cách khơi khơi nếu như kinh tế của họ có nhiều khó khăn. Tất cả phải có sự đồng bộ về chính sách như: khuyến khích đẻ thêm con thứ 2, thứ 3 thì có chế độ ưu tiên gì; việc chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ được thực hiện như thế nào…?
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc duy trì mức sinh hợp lý. Khi đó, Việt Nam mới có thể vượt qua thách thức này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.