TPHCM MỨC SINH THẤP ĐÁNG BÁO ĐỘNG

0
490

Trung bình một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1.32 con, đây là mức sinh thấp nhất trong cả nước.

Ngày 11-7, nhằm hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, ngành Y tế đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024.

Chiến dịch này được triển khai thực hiện trên 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện từ ngày 7-7 đến 31-8, tập trung vào bốn nội dung chính:

– Nâng cao nhận thức về những hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài, tập trung truyền tải thông điệp kêu gọi, mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con;

– Nâng cao nhận thức nam nữ thanh niên ở độ tuổi kết hôn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn;

– Nâng cao nhận thức về lợi ích của tầm soát, điều trị các bệnh tật trước sinh sau sinh.

– Cung cấp cho người dân các thách thức, hệ lụy, giải pháp trước khi TP.HCM bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, việc giải quyết mức sinh thấp không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ Y tế mà đã và đang có sự vào cuộc của toàn ngành.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình phát biểu tại lễ phát động.

Ông Trung nhấn mạnh rằng trong dự thảo về Luật Dân số đang được xây dựng, Bộ Y Tế có đề cập đến vấn đề cởi trói chính sách theo hướng vợ chồng tự quyết định số con họ mong muốn.

Tại Việt Nam, tại Thông tư 01/2021 của Bộ Y tế, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp được khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật tùy thuộc vào tình hình địa phương.

Theo ông, khi người dân cảm thấy họ có đủ sự đầu tư, chăm sóc con cái một cách tốt nhất, họ sẽ tự động sinh con.

“Đây là điểm then chốt. Việc giải quyết mức sinh thấp bằng cách hỗ trợ kinh tế đã được các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… thực hiện nhưng hầu hết đều không giải quyết được vấn đề.

Vì vậy, mấu chốt của chính sách của TP.HCM vẫn là tác động vào truyền thông. Cụ thể như đưa trailer, video về chính sách dân số vào trước mỗi suất chiếu phim trong cụm rạp CGV, các bảng led ở phố đi bộ hoặc dọc bờ sông Sài Gòn, sảnh chờ chung cư, màn hình xe bus, các siêu thị hay vẽ tranh cổ động lên các mảng tường cộng đồng…” – ông Trung nói.

Đoàn xe diễu hành tuyên truyền về chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024.

Bên cạnh đó, kết hợp với các nhân vật có sức ảnh hưởng tới công chúng để truyền đi thông điệp thực hiện câu chuyện sinh đủ hai con.

Trao đổi thêm với PLO, ông Phạm Chánh Trung cho hay mức sinh thấp làm cho tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội…

Bên cạnh đó, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM”.

Tại lễ phát động, nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, Bộ Y Tế đã lựa chọn thông điệp “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững” làm chủ đề cho ngày Dân số Thế giới 11-7 năm 2024 tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Pháp Luật

Thông tin chi tiết xem tại đây