TP.HCM GẶP HỆ LỤY GÌ KHI MỨC SINH THẤP KÉO DÀI?

0
92

Tình trạng mức sinh thấp kéo dài ở TP.HCM sẽ để lại nhiều hệ lụy, trong đó có cả chi phí cho chính sách khuyến sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP.HCM.

Sáng 11.7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2024 và kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11.7.2024.

Những hệ lụy

Tại lễ phát động, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, số liệu mới nhất từ niên giám thống kê năm 2023 cho thấy, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM là 1,32 con. Và TP.HCM đang được xếp vào 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Ông Phạm Chánh Trung phát biểu tại chương trình

Già hóa dân số cũng đang ở mức báo động. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Công an TP.HCM cung cấp năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của TP.HCM là 1.135.889 người, chiếm tỷ lệ 12,05%. Số liệu này cho thấy thành phố đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số.

“Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến số lượng dân số, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Nó còn ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP.HCM. Trong khi đó, nguồn ngân sách này nên được đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số”, ông Trung nói.

Giải pháp giải quyết mức sinh thấp

Để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, ngành y tế phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024. Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện từ ngày 1.7 đến 31.8.

Thanh niên nam, nữ đến khám sức khỏe trước khi kết hôn tại Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh sáng 11.7

Trong thời gian triển khai chiến dịch, ngành y tế còn tổ chức hoạt động khám sàng lọc cho thai phụ và khám sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn cho 40 cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn tại Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh. Triển khai nội dung khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sơ sức khỏe cho người cao tuổi.

Theo ông Phạm Chánh Trung, khám sức khỏe trước khi kết hôn chính là thể hiện trách nhiệm với gia đình. “Đây là giải pháp rất cần thiết cho các cặp đôi để khởi đầu cuộc sống hôn nhân an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc. Hoạt động này giúp tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe của bộ máy sinh sản. Từ đó, có giải pháp can thiệp điều trị kịp thời”, ông Trung nói.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến cuối năm 2023 của TP.HCM là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%. Nhìn chung, quy mô dân số TP.HCM tăng chậm, tính đến cuối năm 2023, quy mô dân số 9.456.661 người.

Theo ông Châu, trong thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

TP.HCM thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 85%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 82%. TP.HCM kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106 -107 trẻ nam/100 trẻ nữ.

Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ở mức khá cao 76,5 tuổi so với cả nước 73,7 tuổi.

 Nguồn: Báo Thanh Niên
Thông tin chi tiết xem tại đây