NGƯỜI TRẺ Ở TP.HCM NGẠI SINH CON VÌ GÁNH NẶNG KINH TẾ

0
431

Để nuôi một đứa con ở đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, chi phí bỏ ra không nhỏ, đây là rào cản khiến người trẻ ngại kết hôn và sinh con.

Với mức thu nhập tạm ổn định cho cuộc sống độc thân, nhiều người trẻ ở TP.HCM vẫn băn khoăn chuyện lập gia đình, nuôi con. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Muốn con sinh ra phải có những điều tốt nhất

Dù đã kết hôn được gần một năm, vợ chồng Vũ Quốc Trung, 27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chưa có ý định sinh con.

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, anh Trung cho rằng chi phí để sinh và nuôi một đứa trẻ tại thành phố lớn là con số không nhỏ. Do vậy, vợ chồng phải tính toán thật kỹ trước khi sinh.

Bên cạnh đó, Trung và vợ muốn mang đến cho con những gì tốt nhất nên sẽ đón con vào thời điểm cả hai chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, tài chính.

Bạn trẻ đăng ký khám tiền hôn nhân tại lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số được tổ chức sáng 11/7. Ảnh: Nguyễn Thuận.
nguoi tre ngai sinh con anh 1

Tại buổi lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số được tổ chức sáng 11/7, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số TP.HCM, cho biết số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,32 con, thấp nhất trong cả nước.

TP.HCM cũng gặp phải nhiều bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Vấn đề này là bài toán khó cho TP.HCM.

Trước tình hình đó, ngành y tế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, các đơn vị đang vận động và hỗ trợ cho các cặp vợ chồng chủ động thực hiện tham gia gói dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng như tham gia tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mức sinh thấp là một trong những vấn đề trọng tâm thành phố cần giải quyết, ngành dân số cần điều chỉnh lại các hoạt động thích ứng.

Để ứng phó với tình trạng già hoá dân số, ngành y tế sẽ hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Đồng thời, TP.HCM tiếp tục khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sức khỏe dành cho người cao tuổi.

TP.HCM bước vào già hóa dân số

Theo thống kê của ngành y tế TP.HCM, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của thành phố đến cuối năm 2023 là 0,73%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0,68%.

Nhìn chung, quy mô dân số TP.HCM tăng chậm, tính đến cuối năm 2023, quy mô dân số là 9.456.661 người. Tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ nam/100 trẻ nữ.

Theo số liệu của Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình TP.HCM, trung bình phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM có 1,32 con. Trong khi đó, năm ngoài, số con trung bình là 1,42. Trong suốt 20 năm qua, mức sinh ở TP.HCM luôn thấp hơn so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con/mỗi phụ nữ).

Như vậy, tình trạng mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ luỵ như suy giảm nguồn nhân lực, tốc độ già hoá dân số diễn ra rất nhanh. Số người cao tuổi trên địa bàn thành phố đã là 1,3 triệu người.

“TP.HCM đã bước vào quá trình già hoá dân số, điều này bị tác động bởi mức sinh thấp, mức chết thấp, tuổi thọ trung bình cao”, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số TP.HCM, chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, khu vực thành thị, vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, có một số tỉnh, thành có mức sinh rất thấp là 1,48 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Cả nước có 33 tỉnh, thành có mức sinh cao; 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp. TP.HCM nằm trong số 21 địa phương này.

Theo Bộ Y tế, công tác dân số tại Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, điển hình là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc. Tốc độ già hóa dân số nhanh và đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già.

Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.

Nhớ sống hạnh phúc nhé!

Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm “100 cách sống hạnh phúc”. Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.

Nguồn: Tạp chí Tri thức

Thông tin chi tiết xem tại đây