CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ 6: NỖI CÔ ĐƠN CON MỘT VÀ SỰ HỐI HẬN MUỘN MÀNG

0
211

Hồi tôi đi học, các bạn hay ghẹo nhỏ Hà là con một, con ngọc con vàng, đừng đứa nào dại dột chọc nó, ba má nó vô xử liền. Mà thật, hồi đó tôi cũng thấy mình đặc biệt, muốn gì có đó.

Một thời nhiều người sinh đông con mà không sợ “thiếuđiều kiện chăm lo” như hiện nay – Ảnh tư liệu

“Chỉ cặp đi học, tôi thích là mẹ mua ngay cho 7 cái cặp 7 kiểu khác nhau để tôi thích kiểu nào thì mang cái đó. Sinh nhật tôi năm lớp 12, tôi chưa có bằng lái, chưa biết cả chạy xe, ba đã mua tặng tôi chiếc SH màu trắng điệu đàng…”, Hà kể chuyện “một thời sung sướng” mà gương mặt lại trầm tư.

1. Nguyễn Thị Hà năm nay đã 35 tuổi, đang là phó phòng giao dịch một ngân hàng ở quận 5, TP.HCM, không ngại tâm sự nỗi niềm con một “lá ngọc cành vàng của ba mẹ”. Cô kể gia đình mình thuộc hàng trung lưu như nhiều gia đình ở thành phố, mẹ làm kế toán ngân hàng nên cô nối nghề mẹ, ba là giáo viên có lớp dạy thêm.

“Tuổi thơ tôi tạm gọi là đầy đủ so với bạn bè, nhiều khi tôi còn bị bạn bè ganh tỵ khi tôi sớm có nhiều thứ mà các bạn không có. Tuy nhiên, khi tôi lên lớp 8, lớp 9, bắt đầu hiểu biết sâu hơn thì lại cảm nhận được bạn bè có một thứ vô cùng quý giá mà mình không thể có, đó là sự ấm áp và niềm vui anh em, chị em”, Hà tâm sự.

Cô kể mình là con một được ba mẹ cưng chiều đủ đầy tất cả và tuổi thơ cô thấy mình sung sướng khi mẹ ôm, ba nựng, bà chiều nói mình là “cục vàng duy nhất của cả nhà”. Mẹ sinh Hà muộn khi đã 35 tuổi, ba cô lúc đó cũng đã tuổi 38. Mẹ kể hành trình mang thai Hà trải nhiều khó khăn, thậm chí tưởng đã mất thai. Có đợt, bác sĩ bắt mẹ phải nghỉ việc, nằm nhà suốt cả tháng để dưỡng thai. Ngày cô chào đời, mẹ cũng phải sinh mổ, đau đớn suốt mấy hôm.

Trễ tràng và khó khăn mới có được đứa con gái, tất cả tình thương yêu của ba mẹ đều dành trọn cho con, nên họ quyết định không sinh thêm em bé nữa. Hà cứ thế lớn lên trong tình yêu thương tràn ngập, đủ đầy vật chất và nhiều khi thấy “hãnh diện” khi hơn bạn bè cái này cái kia. Tuy nhiên, khoảng từ năm lớp 8, khi cô dậy thì và không còn lúc nào cũng được sa vào vòng tay ôm ấp của cha mẹ nữa, thì cô bắt đầu có cảm giác trống vắng, không giống như các bạn có anh chị em cùng trang lứa.

Kể lại nỗi niềm này, Hà tâm sự: “Ban đầu cảm giác đó với tôi không rõ rệt lắm, nhiều khi chỉ thấy buồn buồn một chút mà chưa thể hiểu thấu đáo vì sao. Nhưng rồi sự trống vắng ngày càng rõ dần trong tôi khi đến tuổi có bạn trai này để ý, bạn trai kia quan tâm. Những cô bạn của tôi có chị em về nhà cứ rúc rích, trêu ghẹo nhau, thậm chí thủ thỉ tư vấn nhau nên thế này thế nọ, nhưng tôi thì không biết nói với ai.

Ba mẹ tôi thì không thể rồi, có lần tôi mới hé vài câu với mẹ, ba nghe mẹ thuật lại, đã nghiêm giọng “giảng bài” cho tôi cả buổi tối rằng tôi đang tuổi lo học hành để có tương lai. Ba còn dọa nếu bạn trai kia mà làm quá, ba sẽ đến nhà nói chuyện với ba mẹ bạn”. Hà nói kể từ lần đó, cô hoàn toàn giấu kín trong lòng chuyện này, không dám tâm sự gì với mẹ nữa, còn ba thì càng không…

2. Khi Hà lên cấp III rồi vào đại học, sự cô đơn, chiếc bóng của đứa con một càng rõ rệt trong cô khi ba mẹ lúc ấy đã lớn tuổi vì sinh cô muộn. Những điều mà lứa tuổi 18, đôi mươi của cô quan tâm và yêu thích không thể tương đồng với ba mẹ khi họ đã U60, ở một thế hệ khác rồi. Sự cách biệt từ những chuyện nhỏ nhặt như cô thích trà sữa, gà rán thì bị mẹ la ăn vậy không tốt cho sức khỏe. Đi chơi với bạn bè, cô mặc áo hai dây, váy ngắn trẻ trung thì lại bị ba nói con gái không nên mặc thế. Mùa hè, cô thích tung tăng bãi biển, ba mẹ lại chọn về quê yên tĩnh…

Không thể nói lại được với ba mẹ và cũng không có chị em cùng lứa để chia sẻ cảm thông như bạn bè, Hà ngày càng khép kín. Sự hoạt bát, vui tươi dần biến mất để thay vào đó là một cô gái trầm tính đến mức bị bạn bè gọi là “trầm cảm” dù cô vẫn đang là sinh viên đại học. Nhiều khi đóng kín cửa một mình trong phòng riêng, Hà hét lên ước gì mình có một người chị hay một em gái để chia sẻ những nỗi vui buồn khó giãi bày cùng cha mẹ …

Vấn đề tâm lý nghiêm trọng của Hà về sau cũng được ba mẹ cô cảm nhận và nuối tiếc. Đôi lần họ đã không kiềm chế được mà thốt lên thành lời phải chi cho Hà một người em nữa thì có lẽ cô đã không bị tình cảnh lẻ loi này. Ba mẹ luôn đủ đầy tình yêu thương với cô nhưng không thể nào thay được một người em gần gũi, đồng cảm cùng trang lứa với chị. Năm sinh Hà, mẹ cô 35 tuổi, hơi gặp khó trong việc mang thai, sinh đẻ, không có nghĩa là không sinh được nữa. Tuy nhiên, ba mẹ đã chọn chỉ có “một cục vàng” là Hà để lo cho con được đủ đầy và giờ họ hiểu được mình đã sai lầm.

Niềm vui của những đứa trẻ được quây quần, vui chơi hồn nhiên bên nhau – Ảnh: CÔNG TRIỆU

3. Càng trưởng thành, sự cô đơn của Hà càng rõ nét và những khó khăn gia cảnh cũng ập đến ngày càng nhiều hơn. Có lần cả ba lẫn mẹ cùng bị bệnh phải nhập viện, một mình Hà tất tả lo cho cả hai. Cô đã ra trường, đi làm ngân hàng, ba mẹ cũng có tiền hưu và dành dụm, nhưng cô không yên lòng giao phó hai đấng sinh thành ốm đau cho dịch vụ chăm người bệnh.

Cô đã nghe nhiều điều tiếng về nghề này và cô không yên tâm. Ban ngày cô đi làm, ban đêm cô vào bệnh viện với ba mẹ, mà sáng ra đầu óc cô lâng lâng như say xe vì thiếu ngủ và suýt bị tai nạn. Chính những bệnh nhân khác cũng ái ngại cho Hà khi thấy cô cứ phải tất tả, lầm lũi một mình, trong khi họ có mấy người con để thay phiên nhau chăm sóc ba mẹ.

Đợt dịch Covid năm 2021, cả gia đình cô phải nhập viện, nhưng chỉ có hai cha con về được. Mẹ cô đã ra đi mà chẳng thể trăng trối điều gì. Ba cô rất thương con gái, nhưng ông càng ngày càng đổi tính. Không hiểu vì nỗi buồn mất vợ hay tuổi già, sức khỏe suy kiệt sau dịch bệnh mà ông trở nên lầm lì, đã rất ít trò chuyện với con mà lại còn hay hờn giận, cáu gắt.

“Nhiều khi hai cha con cứ như hai người lạ trong nhà, tôi cố trò chuyện cho khuây khỏa thì ba lại càng cách ra xa hơn, nếu không im lặng thì cũng chỉ trả lời nhát gừng cho có. Đến bữa ăn tối có hai cha con, ba cũng bê tô cơm ra ghế vừa ăn vừa coi ti vi mà không nói chuyện với tôi một lời. Nhiều lúc tôi sợ hãi chính mình, cứ ám ảnh là mình sai, không biết mình đã làm gì lỗi mà ba như vậy”, Hà buồn buồn tâm sự.

Gia đình neo đơn, không có ai để chia sẻ, chuyện tình duyên của Hà cũng gặp trắc trở, không đến đâu. Hai người bạn trai thời sinh viên và đồng nghiệp đến với cô đều không vẹn tròn hôn nhân, Hà càng ngày càng vò võ một mình. Bây giờ ở tuổi 35, cô đã nghĩ rằng “có lẽ tôi sẽ ở vậy để phụng dưỡng ba tuổi cao sức yếu cuối đời”. Tuy nhiên, cô cũng tâm sự rằng đến một ngày nào đó ba cũng sẽ theo mẹ ra đi và cô sẽ chỉ còn lại một mình trên cõi đời này…

“Đến giờ nhìn bạn bè có chị có em, tôi vẫn tủi thân, ước gì ba mẹ không sinh ra mình tôi cô đơn trên cuộc đời này. Một vài người bạn cũng có suy nghĩ chỉ một con để có điều kiện lo cho con được tốt hơn và cha mẹ được tận hưởng cuộc sống, tôi đã la tụi nó đừng lặp lại sai lầm cảnh nhà tôi.

Tụi nó nói rằng sinh một con thì cha mẹ có điều kiện đi làm, dành dụm tiền phòng thân tuổi già nếu một đứa con không chăm sóc nổi mình. Tôi khuyên đừng suy nghĩ vậy, đừng lấy tiền đổi hạnh phúc gia đình đủ đầy con cháu đông vui. Đó là chưa kể cuộc đời gặp trắc trở, mình tính dành dụm cho tuổi già mà làm ăn không ra gì trong khi một đứa con cũng nghèo thì cảnh nhà càng khổ, càng buồn hơn nữa”, Hà chia sẻ nỗi niềm con một của đời mình.

——————————-

Cưng chiều con quá mức không làm cho những đứa trẻ là con cưng sung sướng, trái lại chúng rất khổ sở. Trẻ em cần có những phụ huynh nghiêm nghị nhưng dân chủ hơn là những người chỉ tìm mọi cách làm hài lòng con.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Thông tin chi tiết xem tại đây