CẤP BÁCH KHƠI THÔNG CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN NHÀ DƯỠNG LÃO – BÀI 1: MUỐN VÀO VIỆN DƯỠNG LÃO, KHÔNG DỄ!
Theo dự báo, đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già với tỉ lệ người cao tuổi chiếm 25%, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội ngày càng lớn. Cho nên, ngay từ bây giờ, việc quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, trong đó có viện dưỡng lão, là hết sức cần thiết, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
Người già ở viện dưỡng lão hiện nay được chăm sóc khá tốt cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Vấn đề là không phải ai cũng vào được viện dưỡng lão.
Ở viện dưỡng lão vui lắm
“Con trai nói cuối năm nay sẽ đón tôi về. Thôi thì về cho con nó vui chứ tôi vẫn muốn ở đây. Tôi nói với mọi người rằng, thỉnh thoảng sẽ trở lại thăm họ” – bà Nguyễn Thị Thu Cúc – 65 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM – tâm sự.
5 năm trước, bà Cúc nằm liệt giường sau cơn tai biến. Biết sẽ khó khăn cho đứa con trai duy nhất đang làm cán bộ nhà nước nên bà chủ động bàn với con đưa mình vào viện dưỡng lão. Con bà không đồng ý, nói sẽ thuê người chăm sóc bà. Nhưng bà bảo, dù có thuê người thì cũng chỉ giúp mình ăn uống, sinh hoạt chứ không đủ chuyên môn để hỗ trợ tập luyện, phục hồi. Thế là bà chọn vào ở viện dưỡng lão Vườn Lài (quận 12, TPHCM) để được gần nhà, tiện cho con lui tới thăm nom.
Không gian rộng rãi, thoáng mát của trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TPHCM) – ẢNH: THU LÊ |
5 năm ở viện dưỡng lão, bà Cúc trở thành “bà tám” của viện, suốt ngày đi “tám” chuyện “khắp đầu trên, xóm dưới”. Nghe nữ điều dưỡng “tố” mình như vậy, bà bụm miệng cười hạnh phúc. Ngày vào viện dưỡng lão, bà ngồi trên xe lăn, muốn nói nhưng không thể mở miệng thành lời. Bà được tập đi, tập vật lý trị liệu và sinh hoạt theo sở thích. Ban đầu, điều dưỡng phải nhắc nhở và hỗ trợ bà từng bước chân. Nhưng đến nay, cứ đến giờ là bà tự vịn lan can đứng dậy tập đi. Bà cũng nói chuyện rõ ràng và lưu loát hơn nhờ chịu khó “tám” chuyện.
Bà Cúc chia sẻ, viện dưỡng lão Vườn Lài có mức thu từ 8-15 triệu đồng/tháng tùy vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu mỗi người. Hiện, bà chọn mức 10 triệu đồng, vừa bằng lương hưu của bà. Bà hài lòng vì ở đây bà được chăm sóc tốt, lúc nào cũng có bác sĩ, điều dưỡng theo dõi tình hình sức khỏe, giúp bà yên tâm. “Ở nhà sẽ không được vậy. Dù có thuê người thì con đi làm lúc nào cũng canh cánh” – bà nói.
Năm 2022, cụ Đào Thị Dung rời TPHCM ra Hà Nội sống tại viện dưỡng lão Diên Hồng. Bấy giờ cụ 85 tuổi, không còn đủ sức để chăm người chồng 91 tuổi đã nhiều năm nằm một chỗ. Các cụ có 2 cô con gái. Con gái lớn ở nước ngoài. Không muốn con út phải nặng gánh cả cha lẫn mẹ cùng già yếu, ốm đau, nên cụ Dung quyết định vào viện dưỡng lão. Cụ kể: “Ban đầu tôi cũng lo, ở nơi xa lạ, sẽ buồn. Nhưng cả phòng 8 bà lão chung cảnh ngộ nên tôi thích nghi rất nhanh. Có bạn sớm tối trò chuyện nên vui”.
Buổi sáng, sau bữa điểm tâm ở phòng ăn, cụ Dung xuống phòng tập thể dục với máy móc và nhân viên giúp đỡ. “Bữa nào lười thì tôi ngồi máy mát xa. Những hôm không được khỏe thì các cháu điều dưỡng lên tận phòng xoa bóp” – cụ Dung cho biết. Cụ bảo, thích nhất những dịp lễ tết, kỷ niệm, viện tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ như chợ phiên ngày tết, gói bánh chưng.
Năm đầu tiên sống ở viện, cụ còn được mọi người động viên, cổ vũ tham gia cuộc thi “Hoa hậu cao niên”. “Vào chung kết cuộc thi có 12 người, mỗi người tự chọn 1 huấn luyện viên để hỗ trợ cùng lên ý tưởng biểu diễn, làm trang phục. Cũng có phần thi catwalk nên các cụ chăm tập luyện lắm. Có thi tài năng, thi tư vấn gỡ rối, tạo dáng trước ống kính, trình diễn thời trang tái chế. Vui lắm. Năm đó tôi giành giải hoa hậu đấy” – cụ khoe.
Cụ Dung cho biết, gần 3 năm qua, cụ luôn thấy mình “sáng suốt” khi quyết định vào viện dưỡng lão. Các con thấy cụ vui khỏe cũng yên tâm làm ăn và tập trung chăm sóc cụ ông. Thỉnh thoảng, cụ lại được con cháu đón về nhà chơi.
Giờ học yoga của các cụ già ở trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TPHCM) – ẢNH: THU LÊ |
Không phải muốn là được vào
Cho đến nay, trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM) là cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập duy nhất tại TPHCM. Hiện, ngoài 50 cụ diện chính sách (người có công, thân nhân liệt sĩ và 7 cụ là văn nghệ sĩ mới được đón về) được chăm sóc miễn phí, trung tâm còn chăm 76 cụ theo diện dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy – Phó giám đốc trung tâm dưỡng lão Thị Nghè – thông tin, mức phí hiện là 3 triệu đồng/tháng, không thay đổi từ năm 2010. Nhưng cơ sở vật chất của trung tâm chỉ có khả năng đáp ứng tối đa cho 150 cụ, do đó, đối tượng nhận vào vô cùng hạn chế, phải là cán bộ hưu trí không có người thân và còn khả năng tự chăm sóc ở mức cơ bản.
Sống ở trung tâm dưỡng lão Thị Nghè đã 5 năm, bà H.T.H.C. (65 tuổi) tâm sự, bà sống độc thân, lại bị nhiều bệnh nên thường xuyên vào ra bệnh viện. Có lần, ngại nhờ người chăm sóc nên bà quỵ lúc nào không hay. Sau lần thoát chết đó, thấy sống như vậy không ổn nên bà xin vào trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Cuộc sống lúc nào cũng có người xung quanh khiến bà thoải mái, không còn thấp thỏm lo sợ.
Ban đầu, bà chọn vào trung tâm dưỡng lão Thị Nghè vì mức phí ở các cơ sở dân lập quá cao so với mức lương hưu của bà. Khi vào ở rồi, bà mới thấy mức phí 3 triệu đồng là quá thấp so với chất lượng dịch vụ bà nhận được. Ở đây, mỗi cụ được ở 1 phòng riêng, được chăm sóc ăn uống hằng ngày và hỗ trợ y tế thường xuyên. Không gian trong viện rộng rãi với nhiều hoa và cây xanh.
Hiện nay, quan niệm của người cao tuổi đối với viện dưỡng lão đã cởi mở, nhưng không mấy người biết thế nào là viện dưỡng lão. Cũng chẳng phải ai muốn vào đều có thể vào được, vì viện dưỡng lão nhà nước thì thiếu chỗ, còn viện dưỡng lão tư nhân thì chi phí khá cao, vượt xa khả năng chi trả của nhiều người.
Đa phần viện dưỡng lão tư nhân hiện nay có mức phí từ 8-20 triệu đồng/tháng, cao hơn so với đa phần mức lương hưu của người cao tuổi (bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/tháng). Như bà Lê Thị Loan (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) từng sống ở viện dưỡng lão ở Hà Nội, mỗi tháng bà mất khoảng 8 triệu đồng để đóng phí cho viện và khoảng 2-3 triệu đồng chi tiêu.
Thế nhưng, sau dịch COVID-19, công việc của con bà bị ảnh hưởng nặng nề, kinh tế khó khăn nên bà phải rời viện dưỡng lão, về quê sống thui thủi một mình, bởi muốn vào viện dưỡng lão với chi phí 400.000-500.000 đồng/ngày là quá sức với mẹ con bà.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp tốc độ già hóa dân số
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, tính đến ngày 30/6/2023, thành phố có 9.656.698 người, trong đó có 1.045.375 người cao tuổi, chiếm tỉ lệ 10,8%; chỉ số già hóa (tỉ số dân từ 60 tuổi trở lên so với dưới 15 tuổi) là 49,4%, cao hơn so với cả nước (48,8%). Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Hiện, tổng số người cao tuổi đang được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội là 2.600 người, trong đó gần 1.700 người sống tại 9 cơ sở trực thuộc sở, 880 người được chăm sóc tại 13 cơ sở tư nhân. Theo nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Minh Thi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới – thực hiện trên hơn 800 người cao tuổi sống ở Ninh Bình và Đà Nẵng cho thấy: tỉ lệ người cao tuổi sống cô đơn tăng từ 3,47% (năm 1992-1993) lên 20,5% (năm 2017), sống cùng bạn đời tăng từ 9,48% lên 50,4% và sống cùng con giảm từ 79,73% còn 28,4%. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho rằng, trong bối cảnh “già hóa dân số” đang diễn ra, sự gia tăng nhanh chóng người cao tuổi trong tương lai không xa sẽ là “kỷ nguyên của người cao tuổi” như Liên hiệp quốc đã nhận định. Tỉ lệ người cao tuổi sống cùng với con cháu đang giảm xuống trong khi tỉ lệ người sống một mình, sống cùng bạn đời hoặc sống trong các gia đình “khuyết thế hệ” đang dần tăng lên. Điều này dẫn đến nhu cầu của người cao tuổi được chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngày càng tăng. |
Nguồn: Báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM
Thông tin chi tiết xem tại đây
Các tin khác
- TỶ LỆ SINH CON THẤP CHƯA TỪNG CÓ TẠI TP HỒ CHÍ MINH: NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ CUỐI: CON MỘT ĐƯỢC CƯNG CHIỀU, DỄ TỪ SƯỚNG HÓA KHỔ
- TUỔI KẾT HÔN Ở TP.HCM VƯỢT 30
- NGOÀI 30 MỚI TÍNH CHUYỆN KẾT HÔN
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ 6: NỖI CÔ ĐƠN CON MỘT VÀ SỰ HỐI HẬN MUỘN MÀNG
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ 5: NỖI KHỔ CỦA NHỮNG ĐỨA CON ‘BÁNH MÌ KẸP’
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ 4: ÁP LỰC BỦA VÂY, CHỜ HẾT NỢ MỚI… SINH CON
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ? – KỲ 3: CÔ ĐƠN ĐI QUA BIẾN CỐ TRONG ĐỜI
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ – KỲ 2: CON MỘT ĐƯỢC NÂNG NHƯ TRỨNG MỎNG
- CON MỘT THỜI NAY: SƯỚNG HAY KHỔ – KỲ 1: SỐNG TRONG VÒNG TAY BAO BỌC TỪ A ĐẾN Z