TUỔI KẾT HÔN TRUNG BÌNH Ở VIỆT NAM TĂNG NHANH, VƯỢT MỐC 27 TUỔI

0
265

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng thêm 2 tuổi sau 4 năm và hiện là 27,2 tuổi, với nam giới là 29,3. Bộ Y tế đang đề xuất nhiều giải pháp bảo đảm mức sinh thay thế của quốc gia

Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức sáng 28-8, tại Hà Nội.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho biết thời gian qua, công tác dân số đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỉ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ và duy trì suốt thời gian qua.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, phát biểu

Mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử

Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Theo vùng kinh tế – xã hội, hiện có 02/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Ông Dũng cho biết Bộ Y tế đang nghiên cứu các đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Hội thảo là dịp cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định cũng như thực thi chính sách; tham khảo quan điểm và chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới, từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam.

Càng giàu càng sinh ít

Báo cáo tại hội thảo, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết 2/6 vùng kinh tế xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Đông Nam Bộ số con trung bình là 1,47 con.

Tuổi kết hôn của thanh niên Việt ngày càng muộn

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Sau 4 năm, đến năm 2023 tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.

Ông Hoàng chỉ ra, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh. Số liệu năm 2023 cho thấy trong đó người giàu nhất có mức sinh là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con.

Còn người có trình độ học vấn dưới tiểu học sinh tới 2,35 con thì người có trình độ trên PTTH chỉ đẻ 1,98 con

“Có thể thấy, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như thiếu trường học, học phí, viện phí cao không động viên mọi người sinh con. Bên cạnh đó, học vấn điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con”- ông Hoàng phân tích.

Giảm giờ làm để nam, nữ tìm bạn đời

GS Nguyễn Thiện Nhân khuyến cáo cần thay đổi chính sách tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con

Phân tích nguy cơ, thời cơ và giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững dân số, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu QH khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cảnh báo nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.

GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định Việt Nam vẫn còn kịp để “nhấc” mức sinh lên. Cùng với truyền thống gia đình Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì sau 20-30 năm nữa các thế hệ tiếp theo.

GS Nguyễn Thiện Nhân cũng khuyến cáo để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.

Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.

Dân số sẽ tăng trưởng âm

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.

Theo tính toán, với mức sinh trung bình năm 2024 tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0,93% và sẽ giảm còn 0,73% năm 2029, giảm còn 0,63 năm 2034, giảm tiếp còn 0,55 năm 2039. Đặc biệt đến năm 2064 giảm còn 0,05% và năm 2069 tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0%.

Ngược lại nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong giai đoạn này thì đến năm 2069 dân số Việt Nam vẫn tăng nhẹ, tương đương 200.000 người mỗi năm (tăng 0,17%).

Nguồn: Báo Người Lao Động

Thông tin chi tiết xem tại đây