LUẬT DÂN SỐ TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ, THỂ CHẾ HÓA CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

0
145

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và Gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tổ chức ngày 6/8 tại Hà Nội.

Theo Cục Dân số, thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì từ đó đến nay. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007.

Toàn cảnh Hội thảo

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trình bày các biện pháp thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, đảm bảo quyền con người và trách nhiệm công dân trong thực hiện chính sách dân số tại Hội thảo.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái); già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

Cùng với đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập.

Mặt khác, các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách của đề nghị xây dựng Luật Dân số.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.

Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới“, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật Dân số sẽ giúp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao… nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trình bày cụ thể về tầm quan trọng của Luật Dân số cũng như những định hướng chính sách quan trọng trong dự án Luật này, TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng phòng Pháp chế – Thanh tra, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, mục đích xây dựng Luật Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ; góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; khắc phục các hạn chế, tồn tại; đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Quan điểm của Luật Dân số, một là, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đặc biệt là quan điểm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

Hai là, các quy định của Hiến pháp; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; sự tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến dân số mà Việt Nam là thành viên là các nguyên tắc, căn cứ quan trọng khi xây dựng Luật.

Ba là, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển; bảo đảm bình đẳng giới.

Bốn là, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý công tác dân số; cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng, xã hội và quốc gia.

Năm là, khắc phục các hạn chế, bất cập; kế thừa các quy định còn hiệu quả của Pháp lệnh Dân số; bảo đảm tính khả thi.

Theo TS Phạm Minh Sơn, các chính sách cơ bản trong Dự án Luật Dân số là những vấn đề trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới, bao gồm: Chính sách “Duy trì mức sinh thay thế”; Chính sách “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”.

Chính sách “Thích ứng với già hóa dân số, dân số già”; Chính sách “Phân bố dân số hợp lý”; Chính sách “Nâng cao sức khỏe dân số” và chính sách “Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm và bài học từ những quốc gia khác đã thành công trong việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số.

Bên cạnh đó, đưa ra những góp ý về các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số Việt Nam, góp phần hoàn thiện dự án Luật này để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống

Thông tin chi tiết xem tại đây