Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm mạnh khiến hàng nghìn trường học bị bỏ hoang
(Dân trí) – Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Điều này dẫn đến hàng nghìn trường học bị bỏ hoang vì không có học sinh.
Theo một báo cáo thống kê năm 2021 về các ca sinh và tử vong do chính phủ Hàn Quốc công bố, tổng tỷ suất sinh của nước này, tức là số trẻ trung bình một phụ nữ sinh ra, trong năm 2021 là 0,81, giảm so với con số 0,84 của năm 2020.
Năm 2021, số em bé chào đời ở Hàn Quốc là khoảng 261.000, đây là con số thấp nhất trong 20 năm qua. Trong khi đó số người chết là khoảng 318.000 người.
Năm 2021 cũng là năm thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận tổng tỷ suất sinh dưới một.
Con số này khác xa so với mức đỉnh điểm của Hàn Quốc vào năm 1960 với 6 ca sinh nở trên một phụ nữ. Hàn Quốc hiện là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới.
Ngoài Hàn Quốc, các nước còn lại của Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh trung bình là 1,8 trẻ em trên một phụ nữ. Ở Mỹ, tỷ lệ sinh là khoảng 1,7 trẻ em trên một phụ nữ.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm mạnh khiến hàng nghìn trường học bị bỏ hoang. Ví như trường nữ sinh Chung-Il ở Daejeon, một thành phố yên bình cách Seoul 140 km.
Khung cảnh ngôi trường là những bức tường đổ nát, cửa sổ bị thổi bay và cây cối phủ đầy. Nó tạo nên sự tương phản hoàn toàn với những ngôi nhà đồng nhất, gọn gàng của vùng ngoại ô Daejeon.
Trường trung học này đóng cửa vào năm 2005 sau khi lứa nữ sinh cuối cùng tốt nghiệp vào năm 2004, theo tờ báo địa phương JoongAng Ilbo. Hiện ngôi trường là một điểm nóng cho những người thích phiêu lưu và thám hiểm đô thị. Một số người từ Seoul tới đây để tham quan ngôi trường đổ nát này.
Chung-Il là một trong hàng nghìn trường học của Hàn Quốc buộc phải đóng cửa trong bốn thập kỷ qua do thiếu học sinh.
Từ năm 1982 đến năm 2016, 3.725 trường học trên đất nước Hàn Quốc đã đóng cửa do thiếu học sinh. Theo hãng tin Yonhap, con số này cho thấy, trung bình 113 trường đóng cửa hàng năm.
Theo nhật báo Korea Herald, 62,7% tài sản của các trường học bị đóng cửa đã được bán cho các nhà phát triển bất động sản và có khoảng 1.350 trường học bị bỏ hoang, không ai sử dụng.
Sự “khai tử” của các trường học tại Hàn Quốc diễn ra chậm rãi nhưng ổn định. Dân số giảm nhanh của đất nước có nghĩa là không có đủ học sinh để lấp đầy các ngôi trường.
Thống kê cho thấy tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước này đã giảm đều đặn trong 60 năm qua, giảm từ mức tăng 2,96% năm 1961 xuống mức tăng trưởng 0,13% vào năm 2020.
Cư dân của các thành phố như Daejeon nói rằng những ngôi trường bị bỏ hoang là điểm gây chướng mắt cho cảnh quan đô thị.
Kim Hwa-yeon, 29 tuổi, cựu cư dân Daejeon hiện đang sống ở Seoul, nói rằng trường học bỏ hoang là một nơi trông đáng sợ và là “mối nguy hiểm về môi trường”.
Vấn đề trường học bỏ hoang đã ảnh hưởng nặng nề đến các vùng nông thôn. Những gia đình chọn ở lại nông thôn Hàn Quốc hiện đang chật vật tìm trường học cho con.
Đảo Nokdo của Hàn Quốc, làng chài sôi động một thời, nay chỉ có không quá năm đứa trẻ sống trên đó.
Những đứa trẻ hiện không có trường để đi học vì trường cuối cùng ở Nokdo đóng cửa vào năm 2006. Vì thế, những đứa trẻ hiện được dạy kèm bởi một giáo viên, người thường đến Nokdo bằng thuyền.
Không phải tất cả các tỉnh thành ở Hàn Quốc đều để những ngôi trường bỏ hoang trong tình trạng hư hỏng. Một số tỉnh đang tái sử dụng lại những ngôi trường này. Trong đó một ngôi trường ở đảo Jeju đã được biến thành một quán cà phê và trung tâm cộng đồng.
Trường tiểu học Myeongwol đóng cửa vào năm 1993, được chuyển đổi thành quán cà phê và phòng trưng bày có tên LightMoon, khai trương vào năm 2018.
Theo trang Facebook của Tổ chức Du lịch Jeju, Hàn Quốc, ngôi trường đã được tân trang lại thành quán cà phê đẹp mắt theo chủ đề trường học. Quán cà phê cũng tổ chức một phiên chợ vào thứ hai hàng tuần.
Tỉnh Nam Gyeongsang là nơi có 584 trường học bỏ hoang. Một số trường học được cho thuê làm phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm văn hóa và nơi trú ẩn cho mèo.
Một trong số đó là phòng trưng bày nghệ thuật Kil Hyun ở quận Namhae của tỉnh, mở cửa vào năm 2010. Phòng trưng bày được xây dựng trên khuôn viên của trường Tiểu học Seongnam cũ, đóng cửa vào năm 1999.
Gayasan-dokseodang Junglebook là một trung tâm cộng đồng và thư viện dành cho trẻ em ở quận Hapcheon. Nó được xây dựng trong khuôn viên của một trường học đã đóng cửa vào năm 2019.
“Tôi nghĩ trung tâm Junglebook là một nơi phù hợp với trẻ em. Chúng tôi đã đến đó hai lần. Ở đây có một thư viện tuyệt đẹp mà con gái tôi rất thích. Tôi nghĩ đó là cách sử dụng mặt bằng tốt hơn nhiều thay vì chỉ để trường cũ bỏ hoang tại đó”, Park Dal-rae, cư dân Hapcheon, nói với tạp chí Insider.
Thông tin chi tiết xem tại đây.
Các tin khác
- Phường 6 Quận 8: Họp giao ban công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.
- CÔNG ĐOÀN CHI CỤC DÂN SỐ TỔ CHỨC THAM QUAN CÔNG TY YAKULT
- PYT Quận 6: Tổ chức tập huấn kiến thức đổi Sổ ghi chép ban đầu về Dân số giai đoạn 2021-2025 cho cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên dân số 14 phường
- TẬP HUẤN BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ NĂM 2022
- Tập huấn đổi sổ ghi chép ban đầu công tác Dân số cho Cộng tác viên thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện năm 2022
- PHÒNG Y TẾ QUẬN TÂN PHÚ TỔ CHỨC TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC DÂN SỐ CHO ĐỘI NGŨ CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ – KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
- 5 bệnh không ngờ cha mẹ có thể di truyền sang cho con
- 13h30 ngày 10/10 Giao lưu trực tuyến: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”
- PHƯỜNG CẦU KHO – QUẬN 1 TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRUYỀN THÔNG CHUYÊN ĐỀ “KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH ”
- Phòng Y tế Quận 5 Phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức Họp mặt Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01/10 Tháng hành động vì người cao tuổi và Truyền thông Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi năm 2022