Dân số thế giới ngày càng già đi

0
653

Dân số thế giới không chỉ tăng lên mà ngày càng trở nên già đi. Già hoá dân số là kết quả tất yếu của việc giảm sinh, đặc biệt khi điều kiện sống được cải thiện. Tỷ lệ người già đang tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác. Ở các nước phát triển, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) cao hơn hẳn so với trẻ em. Ở những nước đang phát triển, dân số già cũng tăng nhanh hơn bởi tốc độ giảm sinh, đây là kết quả từ thành công của chương trình sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ.

Theo ban Dân số LHQ, trong vòng 45 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên trên thế giới sẽ gấp khoảng 3 lần hiện nay, tăng từ 672 triệu người năm 2005 lên gần 1,9 tỷ người vào năm 2050. Ngày nay 60% NCT sống ở các nước đang phát triển, đến năm 2050 tỷ lệ này sẽ là 80%

Ở các nước phát triển, 1/5 dân số từ 60 trở lên. Tới năm 2050, tỷ lệ này ước tính tăng gần 1/3 dân số và số người già sẽ gấp đôi số trẻ em. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ NCT ước tính sẽ tăng từ 10% từ năm 2005 lên 20% vào năm 2050.

Đáng chú ý hơn cả là số người trong nhóm tuổi già nhất – trên 80 tuổi, sẽ tăng từ 86 triệu năm 2005 lên 394 triệu năm 2050. Đến năm 2050, phần lớn người già trên thế giới sẽ sống ở các nước đang phát triển. Tại hầu hết các nước đó, phụ nữ chiếm số lượng áp đảo và tỷ lệ nữ ở NCT cũng cao hơn.

Một chỉ số cơ bản của già hoá dân số là tuổi trung vị. Hiện nay, chỉ có 11 quốc gia phát triển có tuổi trung vị trên 40. Nhưng tới năm 2050, sẽ có 90 quốc gia rơi vào nhóm tuổi này, trong đó có 46 quốc gia đang phát triển

Hoạt động của UNPFA

Ở những vùng có dân số già, mục tiêu của UNFPA là gây ảnh hưởng tới chính sách công cộng và đẩy mạnh cải cách chính sách nhằm đối phó với những thách thức về mặt kinh tế, sức khoẻ và xã hội từ hậu quả của già hoá dân số nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi mà trọng tâm là người nghèo, đặc biệt là phụ nữ.

UNPFA hỗ trợ tập huấn cho những người làm chính sách và lập chương trình, hỗ trợ các quốc gia để nâng cao chất lượng dữ liệu về số lượng và đặc tính của NCT, cũng như hỗ trợ nghiên cứu về ảnh hưởng già hoá dân số tới kinh tế và xã hội. UNPFA cũng làm việc với các đối tác trong hệ thống LHQ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc gia.

UNPFA phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới để nghiên cứu ảnh của chính sách đến sức khoẻ phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Báo cáo hướng tới những nhà hoạch định chính sách và đưa ra các kiến nghị nhằm đẩy mạnh công bằng và bình đẳng cho phụ nữ, ngăn chặn việc cách ly người già và đảm bảo phụ nữ cao tuổi vẫn là những người tích cực góp phần vào sự phát triển.

UNPFA đã tích cực tham gia vào Hội nghị thế giới người cao tuổi lần 2 tại Madrid năm 2002 và diễn đàn Valencia. UNPFA đã công bố ấn phẩm của Hội nghị Tình trạng và tiếng nói của người nghèo cao tuổi và bị bỏ rơi ở Nam Phi và Ấn Độ, một đánh giá về làm thế nào người cao tuổi nhận biết được cuộc sống của họ. UNPFA tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc tế về người cao tuổi đã được thông qua tại Hội nghị.

Giadinh.net.vn