‘Trăm phương ngàn kế’ để lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh

0
68

GiadinhNet – Dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan.

Theo các nhà nhân khẩu học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh , trong đó, ở nhiều địa phương nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng vẫn còn tồn tại quan niệm “một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi”. Điều này còn in đậm trong từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân.

Họ cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách “đẻ cho bằng được thằng cu để nối dõi tông đường”. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước và trong khi mang thai.

Đề cập cụ thể đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, vào năm 2003, khi thực hiện một nghiên cứu về phá thai, bà và các cộng sự đã phát hiện có nhiều phụ nữ phá thai là những người có 2 con gái trở lên. Đáng buồn là họ thường phá thai khi tuổi thai đã lớn.

Trăm phương ngàn kế để lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh - Ảnh 2.

Việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh xuất phát từ tâm lý ưa thích con trai hơn con gái và mong muốn phải có con trai để nối dõi tông đường. Ảnh minh họa: N.Mai

Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi là liệu có phải nguyên nhân là do lựa chọn giới tính thai nhi hay không. Tuy nhiên, lúc đó chưa có các số liệu đủ lớn để khẳng định xu hướng này ở Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia về nhân khẩu học đã phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và tiến hành các phân tích số liệu biến động dân cư hàng năm và đi đến khẳng định rằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang bắt đầu có xu hướng mất cân bằng.

Theo đó, từ 2003, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa từ 2,3 – 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn mà không tìm được bạn đời.

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, trong báo cáo dân số thế giới năm nay của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Rõ ràng, đây là biểu hiện của bất bình đẳng giới. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài“, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương để tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi càng thấy rõ nỗi đau đáu và “khát vọng” để sinh được một thằng “chống gậy”. Có ông chồng trở nên cáu bẳn, rượu chè rồi đánh đập vợ con chỉ vì đi ăn cỗ phải ngồi mâm dưới và bị “nói mát” không đẻ được con trai.

Hay có những bà vợ dù tuổi đã cao nhưng vẫn bị ép sinh thêm con vì trước đó đã sinh toàn con gái. Thậm chí, có nhiều ông chồng tuyên bố nếu không đẻ được thằng cu, họ sẵn sàng bỏ vợ để đi “kiếm” một đứa con trai với người vợ mới.

Trước áp lực của gia đình, dòng họ, bản thân nhiều người phụ nữ đã phải tìm trăm phương ngàn kế để cố “nặn” cho bằng được một đứa con trai cho yên cửa yên nhà. Họ tìm đến các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai như đi xem bói, tính ngày trứng rụng, uống thuốc hay đi siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi. Đến khi không đạt được giới tính thai nhi như mong muốn, họ lại sẵn sàng “chối bỏ” quyền được sống của những thai nhi đó bằng cách lạm dụng sự can thiệp của khoa học, kỹ thuật.

Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Thực tế, trên các trang mạng Internet vẫn còn đầy rẫy những thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách ăn uống, tính ngày để sinh con theo ý muốn, nhất là sinh con trai.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến.

Dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để “lách luật” thông báo ngầm cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ.

Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra phổ biến trong đời sống hiện nay, nhất là đối với các gia đình đã sinh con một bề là gái, nhà có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con hoặc đang “khao khát” có một thằng cu “chống gậy”.

Mai Thùy