Từ “dân số vàng” đến tăng trưởng xã hội, khoảng cách và giải pháp

0
76

GiadinhNet – Việt Nam đang bước vào thời kỳ “dân số vàng” với tỷ lệ số người trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ người phụ thuộc thấp đang tạo ra những tiền đề tốt cho tăng trưởng xã hội. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững cần thêm rất nhiều những giải pháp mang tính đột phá.

Từ “dân số vàng” đến tăng trưởng xã hội, khoảng cách và giải pháp - Ảnh 1.

Người lao động có trình độ cao vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số lao động của Việt Nam. Ảnh: TL

Để tạo ra “vàng thật” không dễ

Tuy Việt Nam hiện nay đang ở thời điểm vàng khi có số người lao động ở mức tỷ lệ cao, nhưng để có thể tạo dựng ra những hiệu quả thật cho quá trình tăng trưởng, phát triển xã hội không phải là câu chuyện đơn giản.

Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng: “Một trong những điểm nghẽn khá lớn để chúng ta có thể tạo ra “vàng thật” từ “dân số vàng” đó chính là chất lượng lao động. Việt Nam đang có lực lượng người dân trong độ tuổi lao động lớn nhưng chất lượng người lao động chưa cao. Người lao động ở mức trình độ cao vẫn còn chiếm tỷ lệ ít so với mặt bằng chung. Trình độ tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, người lao động Việt Nam đang có nguy cơ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm khi các cuộc chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ trong từng mô hình của xã hội”.

Từ “dân số vàng” đến tăng trưởng xã hội, khoảng cách và giải pháp - Ảnh 2.

Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh.

Theo các thống kê, tỷ lệ người Việt Nam đang trong độ tuổi lao động hiện nay chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam sẽ được kéo dài trong 30 năm, từ năm 2010 đến năm 2040. Đây không phải là thời gian quá dài, được coi là “thời điểm vàng” cần phải tận dụng ngay. Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước khi nhận thức được vấn đề này cũng đã đem đến hiệu quả rõ rệt. Khi bước vào thời kỳ này, một số nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã thu nhận được những thành tựu rõ rệt về tăng trưởng. Điển hình như Trung Quốc đã có sự tăng trưởng đến 20% trong thời kỳ dân số vàng.

Nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay, thế hệ vàng của thời kỳ “dân số vàng” vẫn đang loay hoay để có thể có được một công việc ổn định. Tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành nghề, “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn đang là một trong những áp lực, nặng trong vấn đề điều tiết cung – cầu trong thị trường lao động của nước ta.

Thay đổi tư duy, mô hình đào tạo là yếu tố cấp thiết

Từ “dân số vàng” đến tăng trưởng xã hội, khoảng cách và giải pháp - Ảnh 3.

Vấn đề sinh viên thất nghiệp sau đại học vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”.

Chúng ta có thể thấy, việc đang trong thời điểm “dân số vàng” không chỉ tạo ra cơ hội mà còn khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức. Cơ hội để phát triển, cống hiến cho lực lượng này cũng là một trong những điều kiện tiên quyết. Khi khoảng thời gian từ “dân số vàng” sang “dân số già” không phải là quá dài.

Nhiều sinh viên vì chạy theo bằng cấp mà quên đi nhu cầu về cơ hội việc làm. Tỷ lệ sinh viên vào các trường nghề hiện nay chỉ đạt 10% trên tổng số học sinh tốt nghiệp THPT. Không chỉ vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại phải quay lại học nghề. Không hiếm các sinh viên tốt nghiệp đại học lại trở thành tài xế công nghệ, nhân viên giao hàng, vốn là những nghề nghiệp không liên quan đến ngành học của mình.

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, việc thay đổi góc nhìn, mô hình đào tạo là một trong những yếu tố cần thiết để có thể tạo ra nguồn nhân lực tốt cho xã hội. Hiện nay, tại một số cơ sở đào tạo đã có sự thay đổi về mô hình, chương trình đào tạo, ví dụ như tăng các số giờ thực hành, thực tế, thực tiễn tại các nguồn cầu cho người học. Mô hình 9+ cũng đang giải quyết một phần tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tại nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là tư duy của chúng ta. Ngay từ khi con em còn học tiểu học, THCS, phụ huynh và nhà trường đã cần phải quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp theo sở thích, phẩm chất và đặc biệt là nhu cầu của xã hội. Thực ra, chúng ta cũng cần phải nên thay đổi tư duy, cứ phải có bằng cấp tốt thì mới có thể làm nghề giỏi.

Hiện nay, tại nhiều vùng quê, tình trạng di cư lao động đang có những ảnh hưởng tiêu cực khi đang bỏ phí đi những “cơ hội vàng” trong cuộc đua lao ra các đô thị lớn với nguồn cầu lao động đơn giản. “Tại các vùng miền hẻo lánh, người dân đang có xu hướng di cư lao động, đặc biệt là chính những người trẻ trong khi những thế mạnh địa phương chưa được phát huy. Thực ra, điều đáng nói là việc di cư lao động này tạo nên áp lực cho chính thế hệ sau khi thiếu sự giáo dục, quan tâm của bố mẹ. Đào tạo phát triển kinh tế từ chính tiềm lực địa phương thực sự cần được chú trọng hơn nữa”, TS Tuyết Minh nêu rõ.

Huy Hoàng