Những con số đáng suy nghĩ xung quanh việc sinh đẻ của phụ nữ Việt

0
503

GiadinhNet – 2 thập kỷ qua, trong khi mức sinh ở thành thị hầu như không thay đổi thì mức sinh ở khu vực nông thôn giảm khá nhanh.

 Các chuyên gia đánh giá, mức sinh là nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng dân số, là thông tin đầu vào cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và phát triển. Những số liệu về mức sinh từ cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở, công bố cuối năm 2019 cho thấy bức tranh tổng thể về thực trạng mức sinh tại Việt Nam thời gian qua.
Những con số đáng suy nghĩ xung quanh việc sinh đẻ của phụ nữ Việt - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sự thay đổi tích cực của phụ nữ nông thôn trong sinh con

Cũng trong năm 2019, TFR của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ). Đây là điều không lạ trong gần 2 thập kỷ qua.

Sự khác biệt về TFR giữa khu vực thành thị và nông thôn được lý giải vì nguyên nhân. Trong đó, có thể là do các cặp vợ chồng ở thành thị có cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin và các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ KHHGĐ dễ dàng hơn, giúp họ tránh mang thai và sinh con ngoài ý muốn.

Một điều ít ai nghĩ đến, đó là do điều kiện sống ở khu vực thành thị tốt hơn khu vực nông thôn nên tỷ lệ tử vong sơ sinh và tử vong trẻ em ở thành thị thấp hơn ở nông thôn, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu sinh thay thế ở khu vực này.

Kết quả thống kê cũng cho thấy, 2 thập kỷ qua, trong khi mức sinh ở thành thị hầu như không thay đổi thì mức sinh ở khu vực nông thôn giảm khá nhanh. Cụ thể, nếu năm 2001 con số này ở nông thôn là 2,38 con/phụ nữ thì tới 2019 xuống còn 2,26. Điều này cho thấy có sự thay đổi rất tích cực trong nhận thức về lợi ích sinh ít con, chỉ sinh đủ 2 con của phụ nữ nông thôn.

Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh ổn định ở dưới mức sinh thay thế trong hơn một thập kỷ qua một lần nữa khẳng định sự thành công của Chương trình DS-KHHGĐ, Chương trình dân số và phát triển và nhiều chương trình, chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe sinh sản ở khu vực nông thôn.

Học vấn càng cao, càng giàu, phụ nữ càng sinh ít con 

Thông tin từ Tổng điều tra dân số và nhà ở cũng cho thấy phụ nữ có trình độ đại học có TFR thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), tiếp đến là phụ nữ có trình độ cao đẳng (1,91 con/phụ nữ). Phụ nữ chưa bao giờ đi học có TFR khá cao (2,59 con/phụ nữ) và phụ nữ có trình độ sơ cấp có TFR cao nhất (3,71 con/phụ nữ).

Phụ nữ thuộc nhóm “Giàu nhất” có mức sinh thấp nhất (2,00 con/phụ nữ). Phụ nữ thuộc 3 nhóm (“Giàu”, “Trung bình” và “Nghèo”) có số con trung bình là 2 con. Phụ nữ thuộc nhóm “Nghèo nhất” có mức sinh cao nhất, với TFR là 2,40 con/phụ nữ, cao hơn nhiều mức sinh thay thế.

Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy cần đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ, thông tin chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ thuộc nhóm “nghèo nhất”. Công tác truyền thông nhằm giảm bớt khoảng cách về mức sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm dân cư khác nhau cần đầu tư hơn, linh hoạt hơn.

Phần lớn phụ nữ Việt Nam sinh con ở độ tuổi từ 20 đến 29. Tuy nhiên, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh ít con hơn phụ nữ nông thôn. Ở khu vực thành thị, mức sinh cao nhất thuộc về phụ nữ 25-29 tuổi với 127 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ; trong khi ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất thuộc về nhóm tuổi 20-24 với 147 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ.

Nếu so với mức sinh của phụ nữ cùng nhóm tuổi 20-24 ở khu vực thành thị thì con số được sinh ra của những phụ nữ sống ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi (147 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ so với 78 trẻ em sinh sống/1.000 phụ nữ).

Tỷ lệ phụ nữ từ 10-17 tuổi sinh con ở khu vực nông thôn là 4,2‰, cao hơn ba lần so với khu vực thành thị (1,3‰). Điều này chứng tỏ nữ chưa thành niên ở khu vực nông thôn có xu hướng sinh con sớm hơn khu vực thành thị.

Điều này có thể là do phụ nữ ở khu vực nông thôn không có nhiều cơ hội để theo học trình độ cao hơn như phụ nữ ở khu vực thành thị nên họ thường kết hôn và sinh con sớm hơn phụ nữ ở khu vực thành thị; hoặc có thể do phong tục, tập quán tại các vùng nông thôn vẫn còn hiện tượng tảo hôn nên dẫn đến phụ nữ ở khu vực nông thôn sinh con sớm, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Tăng số tỉnh có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế

Trong giai đoạn 2012-2019, tổng tỷ suất sinh – TFR (số con sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ từ 15-49 tuổi) – đạt bằng hoặc dưới mức sinh thay thế (dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ). Năm 2019, con số này là 2,09. Số địa phương có TFR cao hơn mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2009 có 29 tỉnh, thành phố thì 10 năm sau, con số này tăng lên 41 tỉnh, thành.

Trong “bức tranh” chung về mức sinh còn rất nhiều “mảng màu” khác biệt. 4 trên 6 vùng hiện có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, gồm 33 tỉnh, thành phố. Đó là: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Riêng trong 33 tỉnh có mức sinh cao có 12 tỉnh thuộc nhóm có TFR từ 2,5 con/phụ nữ trở lên.

Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TPHCM (1,39 con), Tây Ninh (1,53), Bình Dương (1,54); Bạc Liêu (1,61); Cần Thơ (1,66)… Tổng tỷ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore – những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.

T.Nguyên