Nghị quyết 30/NQ-CP mới ban hành tháo gỡ khó khăn về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

0
236

Bộ Y tế tham mưu, trình Chính Phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc,trang thiết bị Y tế

Ngày 04/3/2023, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Những giải pháp được đề cập tại Nghị quyết số 30/NQ-CP bao gồm:

1. Tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất

Sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022: Đối với các hợp đồng được ký trước ngày 05/11/2022: thực hiện theo thời hạn của hợp đồng; Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 05/11/2022: thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp; Trường hợp 2 loại hợp đồng trên hết thời hạn thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

2. Nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán

Trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

3. Cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023

a) Giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị: khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau.

b) Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá để xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây:

– Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong các hình thức sau đây:

+ Chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá với yêu cầu kỹ thuật lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu. Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (sau đây gọi chung là nhà phân phối) cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

+ Chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư.

– Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá theo quy định của Luật Giá;

– Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.

c) Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá cho từng phần trong giá gói thầu.

4. Được phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán

Các cơ sở y tế được phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.

Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Hiệu quả của Nghị quyết:

Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 có hiệu lực ngay khi ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, kịp thời mở ra cơ chế đáp ứng nguồn cung cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất,… bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay.

Nghị quyết số 30/NQ-CP là căn cứ để các Bộ, Ngành, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ các bên, góp phần đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn để thống nhất thực hiện trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ.

Thông tin chi tiết xem tại đây.