Thay vì vung tiền sắm sửa cho con ăn mặc, học hành bằng người ta, tôi chi tiêu vừa đủ để vẫn còn tiền lo cho mình lúc tuổi già.
Vừa phải chăm sóc cha mẹ già, vừa phải nuôi con nhỏ, kiệt sức cả về kinh tế lẫn tinh thần, đó thực trạng đang xảy ra với thế hệ “bánh mì kẹp”. Đây cũng là bài toán của nhiều thế hệ cùng lúc, nhất là về thói quen xài tiền, giao tiếp. Như tôi từ nhỏ đã được tiếp thu lối sống “phải đàng hoàng” theo kiểu “phải làm mọi thứ như người ta”, giao tế kiểu “nhịn miệng đãi khách”.
Vậy là tôi thấy từ ông, bà, cô, bác, cha, mẹ đến anh, chị, em mình đều theo lối sống đó: cứ đổ tiền đãi khách (lễ Tết, cúng giỗ, ngày cưới, kỷ niệm, ăn mừng…), đổ tiền ăn mặc, sắm sửa, đi chơi, học hành… như người ta. Vậy là bao nhiêu tiền làm ra chưa kịp đến già, bệnh tật thì đã chẳng còn xu nào.
Người nhà tôi cứ có đồng nào xào đồng đó, thậm chí có người còn cho rằng “có xài tiền mới có động lực kiếm tiền, bỏ ra mới thu về được”. Kể cả trong giao tế làm ăn, họ cũng nhậu nhẹt, cà phê, gác tay… lu bù “để kiếm mối mang, quan hệ”.
Tôi cũng là nạn nhân của “bánh mì kẹp” nên thấm thía nỗi vất vả của những đứa con phải đứng giữa áp lực của một bên là cha mẹ già và bên kia là con cái thơ dại. Nhưng cũng may vì tôi biết lo toan, gánh vác từ nhỏ nên cũng đỡ được phần nào.
Thật ra, chúng ta hầu như chỉ mới bắt đầu nghĩ đến tuổi già của mình khi chứng kiến cha mẹ qua đời. Lúc đó, chúng ta mới cảm nhận được tình cảnh sống cô đơn của cha mẹ già khi con cái trưởng thành rời tổ, mới hiểu thấu được cảm nhận của cha mẹ mình khi “gần đất xa trời”. Có điều mỗi người sẽ có mong muốn không giống nhau: người muốn gần con cháu, người muốn tránh xa để mong yên ổn nhắm mắt, người thanh thản vì đã làm hết trách nhiệm, người khắc khoải vì không dứt được lo toan.
Giờ với con cái mình, tôi dạy chúng phải học cách tiết kiệm sớm, biết tự lo cho bản thân. Tôi cũng không bao giờ vung tiền cho con đua đòi ăn mặc, học hành bằng người này, người kia. Thay vào đó, tôi cân đối giữa khả năng của bản thân và của con để làm sao vẫn còn tiền lo cho mình lúc tuổi già, mà không cần phiền đến con cái. Chính con cũng phải cố gắng học hành nếu muốn theo đuổi ước mơ của mình.
Làm được như vậy, về già tôi sẽ không phải lo lắng con cái sẽ bỏ rơi mình. Mặt khác, các con cũng có thể tự do để theo đuổi giấc mơ, cuộc sống mà chúng muốn, không phải sợ gánh nặng “ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục” mà lo trả nợ đời cho cha mẹ.
Nguyen PTT
Thông tin chi tiết tại đây.