GĐXH – Các chuyên gia nhận định, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Đúng 9h ngày 28/9 chương trình giao lưu trực tuyến “Các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại địa phương” trên chuyên trang điện tử Giadinh.suckhoedoisong.vn (Báo Sức khỏe và Đời sống) bắt đầu. Để khai mạc chương trình, ông Nguyễn Chí Long, Phó Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống (đầu tiên bên phải) đã phát biểu về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình và tặng hoa lưu niệm cho các khách mời (từ trái qua): Bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang; Ông Nguyễn Văn Phỏng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hòa Bình.Ảnh chương trình giao lưu: Chí Cường
Vì thời lượng chương trình có hạn nên các chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi gửi đến sớm nhất và có nội dung bao trùm. Các câu hỏi còn lại xin hẹn quý bạn đọc trong chương trình giao lưu sau. KÍNH MỜI QUÝ BẠN ĐỌC THEO DÕI TOÀN BỘ PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU Ở PHẦN DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.
Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên được đưa vào trong chương trình nghị sự toàn cầu
Tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (năm 1994), vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên đã chính thức được đưa vào trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Ước tính hàng năm, toàn cầu có ít nhất 777.000 bé gái dưới 15 tuổi sinh con và con số này ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Hàng năm có ít nhất 10 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở nữ vị thành niên trong độ tuổi 15-19 tại các quốc gia đang phát triển. Mỗi năm, cũng có khoảng 3,9 triệu nữ vị thành niên từ 15 đến 19 tuổi phá thai không an toàn
Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam độ tuổi 10-24 năm 2016 cho thấy ngày nay vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, dễ dàng hơn.
Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như Internet, truyền hình và tin nhắn trên điện thoại di động nhưng chỉ có 1/3 số đó sử dụng Internet để tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Cùng với đó, trong xã hội hiện đại hiện nay, với sự nở rộ của các loại văn hóa phẩm, mối quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được “trẻ hóa” khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hơn lúc nào hết, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm từ các cấp, các ngành tới mỗi người dân.
Lý do phải nhân rộng các mô hình truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên ở Việt Nam
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, các chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên vẫn đang tồn tại một số hạn chế, thách thức. Chẳng hạn, hiện nay, việc cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên vẫn đang sử dụng các cách tiếp cận truyền thống là chính; việc áp dụng một số các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng vẫn đang ở quy mô thử nghiệm sáng kiến trong khuôn khổ các dự án và chưa có các bằng chứng thuyết phục về kết quả thay đổi hành vi sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường đang được thực hiện thí điểm và cũng chưa cập nhật với nội dung và phương pháp tiếp cận giáo dục giới tính và tình dục toàn diện theo Hướng dẫn quốc tế.
Mặt khác, việc cung cấp thông tin và các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho các nhóm ưu tiên như nhóm vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn, nhóm vị thành niên trong độ tuổi từ 10-14, nhóm vị thành niên khuyết tật, nhóm vị thành niên di cư, nhóm vị thành niên lao động tại các khu công nghiệp, nhóm dân tộc thiểu số và nhóm vị thành niên có xu hướng tính dục khác nhau còn gặp nhiều thách thức.
Để góp phần giải quyết những “lỗ hổng” về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở vị thành niên, thanh niên cũng như giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 giảm 2/3 vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên đồng thời nhân rộng các mô hình truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm đối tượng này, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại địa phương” trên chuyên trang điện tử Giadinh.suckhoedoisong.vn vào lúc 9h ngày 28/9/2023
KÍNH MỜI BẠN ĐỌC THEO DÕI CÂU TRẢ LỜI CỦA CÁC CHUYÊN GIA PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.
Giadinh.suckhoedoisong.vn
Thông tin chi tiết xemtại đây.