Xã hội đang ngầm coi những người quyết định không sinh con là lối sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ mà không biết nhiều người buộc phải làm thế vì quá nghèo.
Thuật ngữ DINKs (Dual Income, No Kids – hai thu nhập, không con cái) mô tả những cặp đôi sử dụng tiền lương để mua đồ đắt tiền, đi du lịch hoặc chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu sớm. Họ không có ý định sinh con nên không phải chi trả chi phí nuôi dưỡng hoặc giáo dục.
Nhưng DINKs không hào nhoáng như vẻ bề ngoài.
Với những người hạnh phúc khi không có con, tức là theo đuổi DINKs một cách chủ động, bản thân họ vẫn cảm giác bị cô lập trong một xã hội đề cao việc làm cha mẹ. Và cũng có những người, DINKs không phải là lựa chọn mà là yêu cầu cần thiết.
Có những người Mỹ rất muốn trở thành cha mẹ nhưng không thể xoay sở tài chính khi đứa trẻ chào đời. Do vậy, họ được mô tả là những người “không thể có con” thay vì chọn không sinh con một cách tự nguyện. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về nhóm này, trong khi những người chọn không có con chủ động chiếm khoảng 20% dân số trưởng thành ở Mỹ.
Khảo sát của NerdWallet và Harris Poll trên 2.000 người vào tháng 12/2023 cho thấy 56% số cặp vợ chồng tham gia khảo sát cho biết không có kế hoạch sinh con, 31% nói nguyên nhân chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá cao.
Nhiều người chọn DINKs chủ động, nhưng có người bất đắc dĩ phải theo do tài chính eo hẹp. Ảnh minh họa: B.I
Và những điều đang xảy ra với DINKs cho thấy tính hai mặt. Một bộ phận vui vẻ chọn không có con. Số con lại quyết định như vậy vì không còn lựa chọn. Ước tính đến đầu năm 2024, các phụ huynh Mỹ có thể chi đến 26.000 USD để nuôi một đứa trẻ.
Tỷ lệ sinh giảm song chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và y tế ngày càng tăng sẽ khiến nhiều người gắn bó lâu dài với DINKs.
Larry Bienz, 38 tuổi, làm công tác xã hội ở Chicago, Mỹ cho biết bản thân có thể lên chức bố ở một đất nước khác, nơi có những chính sách ưu tiên và cơ sở hạ tầng phù hợp. Còn ở Mỹ thì không. “Ưu tiên hàng đầu của mọi người là có một công việc. Mọi thứ khác buộc phải đến sau”, Bienz nói.
Nhiều lần tưởng tượng về cuộc sống với những đứa trẻ, nhưng người đàn ông 38 tuổi sớm nhận thấy cuộc sống đó không bền vững. Anh nghĩ nếu cha mẹ phải chật vật mưu sinh, làm việc nhà và chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của con sẽ không có thời gian cho các hoạt động giải trí khác, thậm chí là hòa nhập cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Bienz còn nhấn mạnh nơi mình sinh sống có mức lương tối thiểu thấp, thiếu chế độ nghỉ phép có lương và đạo luật chăm sóc sức khỏe theo điều kiện kinh tế. Trong khi ở các quốc gia khác, cha mẹ được nghỉ phép có lương lên đến một năm.
Amelia, 37 tuổi và Kevin, 43 tuổi luôn khao khát có con. Họ đã có hành trình tìm con kéo dài 18 tháng, thậm chí mua căn nhà rộng hơn nằm tại một khu dân trí cao để sẵn sàng chào đón những đứa trẻ. Nhưng vẫn chưa có tin vui nào.
Sống tại nơi có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản khan hiếm và bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho một phần điều trị, vợ chồng Amelia phải suy tính sẽ chi bao nhiêu tiền cho việc sinh con.
“Chúng tôi có đủ điều kiện lý tưởng để sống hạnh phúc bên nhau bởi có công việc tốt, được giáo dục tử tế. Nhưng vô sinh là cảm giác mỗi tháng đều phải tham gia lớp học và làm bài cuối kỳ nhưng kết quả không như kỳ vọng”, người phụ nữ 37 tuổi nói.
Cặp vợ chồng chưa tìm đến các biện pháp can thiệp y tế như thụ tinh nhân tạo. Họ đã chi hơn 1.000 USD cho các phương pháp điều trị, trị liệu và thăm khám bác sĩ. Những biện pháp điều trị chuyên sâu sẽ không được bảo hiểm chi trả.
Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ ước tính chi phí trung bình của một chu kỳ IVF là 12.400-25.000 USD. Việc nhận con nuôi ở Mỹ có mức phí 20.000-50.000 USD, theo Cục Trẻ em Mỹ.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Mỹ là gần 75.000 USD, nghĩa là phải chi đến hơn 1/3 thu nhập nếu có con theo phương pháp phi tự nhiên. Cũng trong khảo sát NerdWallet với những người chọn không sinh, 11% số người được hỏi cho biết do chi phí điều trị vô sinh cao, 10% nói chi phí nhận con nuôi cũng quá cao.
Là người thuộc thế hệ Millennials, Priscilla Davies, 41 tuổi, đã chứng kiến nhiều thăng trầm của cuộc khủng hoảng kinh tế. Anh chọn lối sống độc thân, không có con, một phần lo hôn nhân đặt gánh nặng lên phụ nữ.
“Xã hội đang coi lựa chọn của chúng tôi là giết chết các gia đình truyền thống, họ coi đó là ích kỷ. Sự thật họ đã gọi sai vấn đề, hệt như việc thấy vấn đề hệ trọng đặt ngay trước mắt nhưng lại tránh né bàn luận. Chúng ta đều hiểu hệ thống kinh tế mới có vấn đề”, Davies nói.
Ngày nay, nhiều vợ chồng trẻ thừa nhận ý tưởng gửi con cho ông bà chăm sóc trở nên bất khả thi bởi phí sinh hoạt tăng, giá nhà thuê cao khiến người lớn tuổi vẫn đi làm. Điều này đã đánh mất không gian thứ ba an toàn cho trẻ nhỏ và cha mẹ chúng được tụ tập. Không có sự giúp đỡ của người thân khiến việc làm cha mẹ trở nên khó khăn hơn.
Những câu chuyện ngày nay vẫn đề cập đến hai kiểu DINKs: những người chọn lối sống vui vẻ hoặc bị bất đắc dĩ đẩy vào – được ví như hai mặt của đồng xu. Nhưng cuối cùng, họ đều muốn được lựa chọn.
Với các DINKs tự nguyện. Họ cần nhận sự tôn trọng của những người xung quanh về việc bản thân thiết lập cấu trúc gia đình vượt khỏi quy chuẩn: không có con cái những vẫn hạnh phúc.
Còn các DINKs bị động, họ đang bước trên con đường trở thành cha mẹ, dù tình hình tài chính không khả quan.
Minh Phương (Theo Insider)
Nguồn: Báo VNEXPRESS
Thông tin chi tiết xem Tại đây