TP HỒ CHÍ MINH KÊU GỌI MỖI GIA ĐÌNH SINH ĐỦ 2 CON NHẰM CẢI THIỆN MỨC SINH

0
288

TP Hồ Chí Minh là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước; tốc độ già hóa dân số của Thành phố cũng đang diễn ra quá nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội.

Lễ phát động Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Với mức sinh bình quân năm 2023 chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để cải thiện mức sinh thấp.

Đây là nội dung chính được nêu lên tại Lễ phát động Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp và kỷ niệm Ngày Dân số thế giới năm 2024 do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/7.

Tại Lễ phát động, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thống kê từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm; năm 2000 là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đến năm 2023, con số này chỉ còn 1,32.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước. Cùng với mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số của Thành phố đang diễn ra quá nhanh.

Từ năm 2017, Thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10%. Đến năm 2023, Thành phố có hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 12,5% tổng dân số.

Diễu hành cổ động tăng mức sinh, nâng cao chất lượng dân số sau Lễ phát động. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo ông Phạm Chánh Trung, già hóa dân số đang tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…

Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vấn đề giảm tỷ lệ sinh, ngại kết hôn, ngại sinh con ở Thành phố đang là thách thức lớn.

Mức sinh giảm không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, còn có những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế-xã hội và chính sách an sinh.

Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của Thành phố, ngành Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con.”

Việc sinh đủ hai con góp phần cải thiện mức sinh của Thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết vấn đề này, cần có những biện pháp đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ đến việc thay đổi nhận thức người dân.

Việc khuyến sinh, không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất.

Trong Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ. Quy mô dân số khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên 1,1% vào năm 2025 và đạt trên 1,3% vào năm 2030.

Thành phố đang nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng dân số, tập trung giải quyết các vấn đề: khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số; nâng cao tỷ lệ nam và nữ thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; duy trì cân bằng tỷ số giới tính khi sinh; nâng cao nhận thức người dân về mức sinh thấp và độ tuổi kết hôn muộn…/.

Nguồn: Thông Tấn Xã Việt Nam

Thông tin chi tiết xem tại đây