Các chuyên gia đã góp ý những giải pháp để có một mô hình, một hệ thống dịch vụ dưỡng lão tốt, đáp ứng về số lượng, chất lượng, với mức chi phí hợp lý… nhằm chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi trước xu thế già hóa dân số.
Ông Nguyễn Tăng Minh – Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM: Để xã hội hóa viện dưỡng lão, cần gỡ khó về đất đai
Theo tôi, trước hết cần củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi hiện có, mở rộng dịch vụ thu phí đối với các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chức năng chăm sóc người cao tuổi. Các viện dưỡng lão phải có một đội ngũ đủ về số lượng và chất lượng chuyên môn.
Những ưu việt của mô hình viện dưỡng lão tại Nhật Bản được cả thế giới, trong đó có Việt Nam, học tập là nhờ áp dụng những công nghệ và sản phẩm tiên tiến, mang lại cuộc sống vui vẻ và thoải mái nhất cho người cao tuổi. Họ chú trọng tới sức khỏe và môi trường sống, không gian sống hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp; người cao tuổi được sống trong không gian yên tĩnh, sinh hoạt cùng mọi người như một gia đình, được tham gia vào các hoạt động tập thể để thư giãn vui vẻ. Ngoài ra, trong các viện dưỡng lão Nhật Bản, người cao tuổi được sống trong những căn nhà nhỏ, riêng tư, nên họ cảm giác như đang ở nhà mình.
Để có những viện dưỡng lão như vậy thì cần có các chính sách đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thu hút sự tham gia đầu tư từ các tổ chức, cá nhân. Một trong những khó khăn hiện nay của các nhà đầu tư là đất đai.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Xuân (Trường đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TPHCM): Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ
Cách đây 4 năm, chúng tôi đã sử dụng phương pháp phỏng vấn thang mềm để tìm ra lý do tại sao dịch vụ viện dưỡng lão không được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Các phát hiện giúp các nhà cung cấp dịch vụ có cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ hiện tại của khách hàng ngăn cản họ sử dụng dịch vụ.
Trước hết là việc đào tạo nhân viên, những người trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi – nhất là những người có vấn đề về sức khỏe – phải được trang bị bài bản về chuyên môn.
Cần phân loại đội ngũ điều dưỡng thành 2 nhóm trong đào tạo: những người chăm sóc xử lý các công việc cơ bản hằng ngày và những điều dưỡng viên chuyên khoa cung cấp dịch vụ chăm sóc và theo dõi sức khỏe tổng thể của khách hàng cũng như tiền sử bệnh của họ. Việc tiếp cận đào tạo như thế sẽ giúp không chỉ người cao tuổi mà cả người thân của họ yên tâm hơn với chất lượng dịch vụ.
Giao tiếp cũng là một vấn đề quan trọng trong đào tạo nhân viên điều dưỡng. Tại viện dưỡng lão, họ phải là người lắng nghe tích cực và giao tiếp hiệu quả với những người đang điều dưỡng.
Thứ hai, cần thúc đẩy truyền thông về viện dưỡng lão với cộng đồng. Theo đó, cần có các chương trình giới thiệu thông qua các hội thảo để phổ biến thông tin, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về viện dưỡng lão.
Thứ ba là phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ điều dưỡng trong thời gian chuyển tiếp, chờ cộng đồng chấp nhận. Đối với người Việt, đặc biệt là người cao tuổi, sống với con cái là mong muốn trong sâu thẳm. Nhưng do con cái bận rộn với công việc và không thể chăm sóc họ cả ngày nên cần một dịch vụ chăm sóc vào ban ngày. Vì thế, có thể thúc đẩy dịch vụ chăm sóc ban ngày để đáp ứng nhu cầu. Buổi tối họ sẽ về nhà với gia đình.
Mỗi người đều có nhu cầu và kỳ vọng riêng, nên chương trình, hoạt động tại các viện dưỡng lão cũng nên đa dạng hóa và cung cấp cho các nhóm một cách phù hợp. Người cao tuổi có thể được khuyến khích học một nghề mới, hoặc tham gia một số lớp học… giúp họ mong đợi những ngày tương lai. Cũng có thể tạo cơ hội cho họ làm việc hoặc tham gia các chương trình từ thiện để họ cảm thấy mình hữu ích.
Thạc sĩ Trần Văn Phương (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM): Cần các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư
Viện dưỡng lão phải có đầy đủ các phân khu chức năng và các hạng mục để người già sống thoải mái, được chăm sóc tốt như khu văn phòng, khu ở, khu ăn, khu vui chơi giải trí, thể thao, khu hồi phục chức năng, khu chăm sóc sức khỏe (y tế, vật lý trị liệu), công viên, cây xanh và nhà lưu trú cho người thân khi đến thăm…
Do vậy, nó cần một diện tích lớn và không quá xa khu dân cư để con cái, gia đình thuận tiện thăm nom. Đây là một sự đầu tư lớn, vì vậy ngân sách nhà nước khó đảm bảo nên cần sự chung sức xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức.
Thế nhưng hiện nay, doanh nghiệp ít mặn mà đầu tư vào viện dưỡng lão, do chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận không cao và chậm thu hồi vốn, khó tìm được quỹ đất đủ lớn để xây dựng. Đó là những lý do khiến chi phí sống trong các viện dưỡng lão hiện khá cao, người già và gia đình khó có khả năng chi trả.
Nếu không có chính sách ưu đãi về vốn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, thuế đất, tạo điều kiện thuận lợi… thì rất khó kêu gọi đầu tư, cũng như khó có mức phí hợp lý.
Theo tôi, trước mắt có thể nghiên cứu mô hình nhà dưỡng lão có sự kết hợp nhiều dịch vụ, hoặc tối thiểu hóa cơ sở vật chất để giảm chi phí đầu tư, tận dụng các dịch vụ chia sẻ để đáp ứng nhu cầu và giảm chi phí.
Để không tạo gánh nặng cho Nhà nước, cho xã hội và cho cả người cao tuổi, cần nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng lâu dài (Long Term Care Insurance System). Mô hình này hình thành trên nguyên tắc tất cả người dân ở một độ tuổi nhất định (từ 40 tuổi) có việc làm tham gia đóng bảo hiểm phúc lợi bắt buộc.
Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng khi người cao tuổi đủ 60 hoặc 65 tuổi và được xác định cần chế độ chăm sóc phù hợp. Nguồn lực tài chính để chăm sóc sức khỏe cho người già được kết hợp từ 3 nguồn: ngân sách công, bảo hiểm và người sử dụng dịch vụ.
Tiến sĩ Catherine Earl (Đại học RMIT): Cân nhắc chính sách “lão hóa tại chỗ”
Già hóa dân số là một thách thức toàn cầu. Báo cáo của ILO/ASEAN năm 2020 cho thấy các nước ASEAN sẽ già đi trước khi trở nên giàu có. Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức chung và riêng. Do vậy, nên chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia chính sách đa ngành để đề xuất các giải pháp xử lý các vấn đề phức tạp gặp phải khi dân số đang già hóa.
Trên toàn cầu, chính sách dựa trên bằng chứng đã được thử nghiệm và được đánh giá có thể đóng góp vào kế hoạch của một quốc gia để giải quyết vấn đề già hóa dân số.
Việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao với giá cả phải chăng là ưu tiên hàng đầu để giải quyết vấn đề. Thay vì chỉ tập trung vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe “cấp ba”, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe “cấp một” và “cấp hai” cũng nên được cung cấp cho người già tại cộng đồng và tại nhà của họ.
Việc phát triển gói chính sách toàn diện cần phổ biến hơn việc cung cấp viện dưỡng lão, vì việc duy trì kết nối với gia đình và cộng đồng của họ là điều cần thiết và vô cùng quan trọng với người già.
Theo tôi, cần cân nhắc chính sách “lão hóa tại chỗ” và duy trì sống tại nhà. Đảm bảo có một chỗ ở phù hợp, đáp ứng nhu cầu thể chất và tinh thần là thiết yếu để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của cha mẹ và ông bà chúng ta. Nguy cơ vô gia cư trong cuộc sống sau này có thể là nguyên nhân gây sợ hãi và lo lắng cho một số người dễ bị tổn thương.
Đối với mọi người, mức độ gắn kết cộng đồng, hỗ trợ xã hội và tình bạn giúp chống lại sự cô đơn và thúc đẩy cảm giác tự tin về giá trị bản thân.
Sở hữu nguồn thu nhập ổn định ở tuổi xế chiều là điều quan trọng để duy trì phẩm giá, sự tự chủ và độc lập. Tổ chức Lao động Quốc tế chỉ ra rằng chỉ 26,2% người dân ở Việt Nam đóng góp vào hệ thống lương hưu tuổi già, so với 53,7% trên toàn thế giới. Hệ thống hưu trí toàn diện cung cấp bảo hiểm toàn diện và thu nhập đầy đủ là một nhu cầu cấp thiết.
Nguồn: Báo Điện tử Phụ Nữ TP.HCM
Thông tin chi tiết xem tại đây