Chương trình DS-KHHGĐ ở Indonesia: Bài học trước nguy cơ “bùng nổ dân số”

0
261

GiadinhNet – Tổng điều tra dân số năm 2010 cho thấy, dân số của Indonesia đạt 237,6 triệu người (tăng hơn 4 triệu người so với dự báo năm 2005 của cơ quan Thống kê, tỷ lệ tăng dân số 1,416% (giai đoạn 2000-2010), tổng tỷ suất sinh 2,4 con, tăng vọt so với giai đoạn trước. Các nhà chính trị, quản lý, hoạch định chính sách và các nhà dân số học quan ngại Indonesia sẽ “bùng nổ dân số” như những năm 60- thế kỷ trước.

Hình ảnh một gia đình nông thôn đặc trưng của Indonesia. Ảnh: T.L
Hình ảnh một gia đình nông thôn đặc trưng của Indonesia. Ảnh: T.L

Sai lầm từ quá khứ

Ủy ban Điều phối công tác DS- KHHGĐ Indonesia đã phân tích và xác định nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là Chính phủ đã buông lỏng sự cam kết lãnh đạo, đầu tư giảm sút, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở biến động lớn. Chính phủ đã thực hiện cải cách hành chính với việc giao cho chính quyền các địa phương tự xây dựng chính sách, tự chủ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ.

Từ năm 2007, Chương trình DS-KHHGĐ của Indonesia đã được hồi sinh, nhờ Chính phủ đã dũng cảm sửa những sai lầm xảy ra trong giai đoạn cải cách 1998 – 2006. Chương trình DS-KHHGĐ của Indonesia đã đạt được những kỳ tích trong kỷ nguyên Tổng thống Suharto kéo dài 31 năm (1967-1998), được cộng đồng Quốc tế ghi nhận với Giải thưởng Dân số LHQ năm 1989 dành cho Tổng thống Suharto. 95 quốc gia đã cử nhiều đoàn cán bộ đến học tập kinh nghiệm làm công tác DS-KHHGĐ của đất nước có số dân đông thứ tư trên thế giới. Đây quả là những kỳ tích đối với một đất nước gồm 13.487 hòn đảo, trong đó khoảng 6.000 hòn đảo có người ở, nằm rải rác ở cả hai phía đường xích đạo. Là đất nước với khoảng 300 sắc tộc bản địa khác nhau và 742 ngôn ngữ cùng thổ ngữ. Bản sắc địa phương đa sắc tộc được duy trì bên cạnh một tình cảm quốc gia mạnh mẽ trên tinh thần “thống nhất trong đa dạng”- Indonesia là một kết hợp khoảng 250 chủng tộc, phần đông có họ hàng gần gũi với nhau trên phương diện ngữ học và nhân chủng học. Đây còn là đất nước có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới (dù không phải là nhà nước Hồi giáo) với 86,1% tín đồ, ngoài ra có 8,7% tín đồ Thiên chúa giáo, 3% tín đồ Hiđu và 1,8% tín đồ Phật giáo và tôn giáo khác. Người Hồi giáo vốn sinh nhiều con, thích có con trai; nam giới có thể lấy đến 4 vợ nếu đảm bảo các yêu cầu theo Luật định.

Những thăng trầm

Thời gian qua, Chính phủ Indonesia đã thực thi nhiều chính sách nhằm cải thiện phúc lợi, tăng kinh phí cho công tác KHHGĐ.
Ảnh: internet
Thời gian qua, Chính phủ Indonesia đã thực thi nhiều chính sách nhằm cải thiện phúc lợi, tăng kinh phí cho công tác KHHGĐ. Ảnh: internet

Indonesia là một trong số ít quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình KHHGĐ ngay từ năm 1945 sau khi giành được độc lập nhưng lúc đó do Hiệp hội cha mẹ – một tổ chức phi Chính phủ thực hiện. Chương trình KHHGĐ cũng trải qua những bước thăng trầm và có thể chia thành các giai đoạn chính sau:

Giai đoạn 1945 – 1967:

Kỷ nguyên Soecarno, với chính sách khuyến sinh thay cho chính sách giảm sinh trước đó, coi dân số là tài sản quốc gia, không phải là cản trở của sự phát triển và quy mô có thể đạt 250 triệu người. Thách thức dân số lúc đó chỉ là sự phân bố dân số không đều và Chương trình  KHHGĐ lúc đó vấp phải sự đối lập tôn giáo mạnh mẽ ngay trong Quốc hội.

Giai đoạn 1968 – 1998:

Thời đại của Suharto, được coi là thời kỳ hoàng kim với việc thông qua Tuyên bố về dân số – phát triển tại Hội nghị Bucarest – Rumani, có định hướng rõ ràng về dân số, với mục tiêu giảm mức sinh xuống 50% so với mức sinh của năm 1971. Năm 1970, Chương trình KHHGĐ chính thức do Nhà nước thực hiện với việc thành lập Uỷ ban Điều phối KHHGĐ (BKKBN) và sau đó thành lập Bộ Dân số. Chính phủ xác định các thách thức của vấn đề dân số: Tỷ lệ tăng dân số lớn tạo nên tỷ số phụ thuộc trẻ em cao, đô thị hoá quá nhanh, mật độ dân số quá tập trung tại đảo Java (dân số chiếm 65% trong khi diện tích đất chỉ chiếm 7% cả nước) và lực lượng lao động rất trẻ. Chính phủ cam kết mạnh mẽ thực hiện chương trình KHHGĐ với việc thể chế hoá thực hiện quy mô gia đình nhỏ, quản lý theo Chương trình mục tiêu và coi KHHGĐ là một cấu thành quan trọng trong kế hoạch phát triển đất nước 5 năm. Mức sinh – chết đều giảm mạnh, tổng tỷ suất sinh giảm từ 6 con xuống còn 3,02 con (1997), góp phần tăng trưởng kinh tế từ 2%/năm lên 7% cho đến năm 1997 và Tổng thống Suharto được tặng giải thưởng dân số LHQ năm 1998.

Giai đoạn cải cách 1998-2006:

Đây là giai đoạn Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng khoảng tài chính kinh tế châu Á và cải cách hành chính đối với chương trình KHHGĐ. Chính phủ giải thể Bộ Dân số và năm 2001, triển khai chương trình kinh tế vùng (phi tập trung), trao quyền cho các chủ tịch huyện, thành phố, thị xã quyết định mọi vấn đề, từ tài chính đến tự hoạch định chính sách, bao gồm cả chính sách dân số mà không cần Trung ương phê duyệt. Trong giai đoạn này, các chính sách dân số đều bị thay đổi, trở nên lỏng lẻo hơn trước rất nhiều.

Chương trình KHHGĐ ở Indonesia khi đó đối mặt với những thách thức lớn: Chính sách dân số không còn tập trung như Ủy ban BKKKN buộc phải nhường quyền lực cho hơn 500 quận huyện, mỗi nơi hoạch định một chính sách dân số – KHHGĐ riêng. Nguồn nhân lực dành cho KHHGĐ bị thiếu hụt. Nguồn tài chính không đủ do mức độ ưu tiên từ Trung ương không như trước…

Có thể nói, trong giai đoạn này ý chí chính trị và cam kết bị giảm sút, quản lý yếu, số cán bộ chuyên trách  dân số  cơ sở giảm  trầm trọng  (có nơi giảm 50%).

Thể chế dân số ở cơ sở rất khác nhau, nguồn lực giảm sút, phương tiện cũng thiếu… dẫn đến quy mô dân số tăng lên nhiều so với dự báo và nảy sinh vấn đề già hoá dân số ở nhiều vùng trong cả nước.

Giai đoạn hồi sinh của chương trình KHHGĐ (từ 2007): Để quản lý được sự gia tăng dân số và đẩy mạnh  công tác KHHGĐ; Chính phủ Indonesia đã tăng cường cam kết và đẩy mạnh sự quản lý, sửa đổi lại cơ chế tập trung, củng cố lại bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, thiết lập các công ty mạnh, xây dựng các chính sách mới, ban hành Luật Phát triển dân số và gia đình dân số năm 2009 (thay cho Luật Dân số và phát triển gia đình thịnh vượng năm 1992).

Chính phủ đã thực thi nhiều chiến lược. Cụ thể là: Làm hài hoà các chính sách liên quan đến DS – KHHGĐ. Tăng cường sự tham gia tích cực và quyền lực của các đối tác chiến lược và của cộng đồng với các Chương trình dân số và KHHGĐ. Phục hồi sự quản lý Chương trình DS-KHHGĐ. Nâng cao năng lực xây dựng chính sách; Cải thiện phúc lợi KHHGĐ, làm sôi động các chương trình và tăng kinh phí cho KHHGĐ.

Từ tháng 12/2009, chức năng của BKKBN được tăng thêm, mở rộng ra các vấn đề dân số (Gọi là Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ, không còn là Ủy ban Điều phối Quốc gia KHHGĐ như trước nữa). Trong chương trình KHHGĐ đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2014: Tỷ lệ tăng dân số đạt 1,1% (nay là 1,49%); TFR đạt 2,1 con (năm 2011 khoảng 2, 34 con); Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 65%; Nhu cầu chưa được đáp ứng giảm xuống còn 5% (từ 9,1%); tuổi kết hôn lần đầu tăng lên 21 tuổi (từ 19,8 tuổi)…

Chính sách cơ bản trong KHHGĐ của Indonesia không chỉ là giảm sinh mà định hướng phải tăng cường tối đa sự tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS. Để thực hiện mục tiêu chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá rẻ, sản phẩm bao cao su được phát miễn phí.

Bài học kinh nghiệm thiết thực

Với việc kịp thời sửa đổi những bất cập trong thời gian qua, hy vọng trong thời gian tới, Chương trình DS-KHHGĐ của Indonesia sớm đạt được mục tiêu đề ra, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức cao trong bối cảnh khủng khoảng tài chính thế giới vẫn đang diễn ra.

Có thể nói, những bài học kinh nghiệm đã phải trả giá nói trên của Indonesia chính là sự cảnh tỉnh cho những Chương trình DS-KHHGĐ bị buông lỏng sự cam kết, sự lãnh đạo chỉ đạo, sự biến động về tổ chức,đội ngũ cán bộ bị thay đổi, cơ chế quản lý.

Chương trình theo hướng phi tập trung và giảm sút nguồn lực đầu tư trong khi nội dung Chương trình lại được mở rộng toàn diện hơn, bao gồm cả quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bổ quản lý dân cư và nâng cao chất lượng dân số…

PGS. TS. Trần Văn Chiến

PGS. TS Trần Văn Chiến (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ).