50 năm qua, công tác Dân số tự hào đã góp phần hiệu quả trong việc ổn định quy mô dân số, kiểm soát cơ cấu dân số hợp lý, tập trung cho các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, giúp nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Dân số Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm tháng 7/1976 là 3.498.120 người đến cuối năm 2024 là 9.543.628 người. Tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố tăng từ 66 tuổi năm 1979 lên 76,6 tuổi năm 2024, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước 74,7 tuổi (Nguồn: Cục thống kê Thành phố)
Tính đến năm 2024, tỷ lệ người cao tuổi tại Thành phố đã tăng lên 11,87%, với tổng số 1.132.678 người cao tuổi. Trong vòng 7 năm (2017-2024), số lượng người cao tuổi tăng thêm 243.500 người, bình quân mỗi năm tăng gần 35.000 người.
Hiện nay, số người cao tuổi tại Thành phố đứng thứ hai cả nước, khiến Thành phố phải đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh “Già hóa Dân số”. Quá trình này diễn ra dưới tác động sâu sắc của mức sinh thấp, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Theo số liệu từ Cục Thống kê, năm 2024, chỉ số già hóa (tỷ số Dân số từ 60 tuổi trở lên so với Dân số dưới 15 tuổi) của thành phố là 65,20 cao hơn so với số liệu của cả nước là 60,18. Quan sát chỉ số già hóa của Thành phố từ năm 2010 đến nay cho thấy có sự gia tăng liên tục với tốc độ rất nhanh, năm 2010 số liệu ghi nhận là 39,39 nhưng đến năm 2024 đã là 65,20 (nghĩa là cứ 100 người trẻ dưới 15 tuổi thì có 65,20 người cao tuổi tương ứng). Sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tốc độ già hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt qua các dự báo trước đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng đông.
Trong thời gian qua, Ngành y tế đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, đạt được 4 thành tựu tiêu biểu như sau:
- Hoạt động khám và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các bệnh viện tuyến Thành phố, Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Trạm Y tế
Từ năm 2021 đến nay, Các bệnh viện cấp Thành phố đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự để thành lập Khoa Lão. Một số bệnh viện cấp quận, huyện đã thực hiện điều trị các bệnh lý Lão học, thành lập Lão khoa kết hợp với khoa Nội. Thành phố Hồ Chí Minh có: 13/32 bệnh viện cấp thành phố thành lập khoa Lão; 08/32 bệnh viện cấp thành phố tổ chức khoa Lão khoa kết hợp một khoa khác; 04/19 bệnh viện cấp quận, huyện tổ chức khoa Lão khoa kết hợp một khoa khác[1]. Tuy chưa đảm bảo 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai được phòng khám ngoại trú và phòng điều trị nội trú dành riêng cho người cao tuổi, nhưng tất cả các đơn vị đều tổ chức khu vực tiếp nhận, khám và điều trị ưu tiên cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên theo luật quy định.
Trong năm 2024, có hơn 2,2 triệu lượt người cao tuổi được thực hiện ưu tiên khám sức khỏe, khám chữa bệnh tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn Thành phố.
Ngày 22 tháng 6 năm 2023, Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 2762/KH-UBND về việc khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo; mỗi năm ngân sách Thành phố sẽ chi khoảng 150 tỉ đồng để khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị. Trong đó, người cao tuổi sẽ được khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu (định lượng glucose, định lượng creatinin, định lượng triglyceride, định lượng LDL-C).
Sở Y tế đã khởi động thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2023. Năm 2024, Thành phố tiếp tục triển khai khám tại 100% phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; kết quả năm 2024 có 329.416 lượt người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế trên địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Kết quả ghi nhận có 61,6% người cao tuổi bị tăng huyết áp, 25,68% người cao tuổi mắc và nghi ngờ đái tháo đường, 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng; 18,3% người có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu; 2,2% người cao tuổi có các hoạt động sống cơ bản hằng ngày (tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển) cần người khác hỗ trợ và 7,9% cao tuổi người cao tuổi có các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (khả năng sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ…..) cần người khác hỗ trợ. Ngoài ra, cũng nhờ hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi, Thành phố đã phát hiện thêm 49.197 người bị tăng huyết áp (15%), 26.375 người nghi ngờ đái tháo đường (8%).
- Duy trì và mở rộng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Toàn thành phố có 184 Câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, với trên 2.726 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho hơn 5.389 người cao tuổi già yếu neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng; Các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí… kết hợp tư vấn, cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Định kỳ mỗi tuần ít nhất 02 lần các tình nguyện viên đến chăm sóc người cao tuổi theo địa chỉ đã đăng ký cụ thể. Đội ngũ tình nguyện viên tham gia chăm sóc người cao tuổi già yếu neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của dư luận xã hội. Thông qua các hoạt động nêu trên đã giúp cho người cao tuổi ngày càng sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Từ năm 2021 đến nay, các Tổ tình nguyện đã vận động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân tổ chức 973 bữa ăn ngon cho 136.189 lượt người cao tuổi, viếng thăm và tặng quà cho các cụ cô đơn, bệnh nặng đi lại khó khăn. Thăm và tặng quà cho 175.390 lượt người cao tuổi khó khăn, già yếu, neo đơn tại cộng đồng.
Năm 2024, tổ chức hội thi về tìm hiểu các vấn đề Già hóa dân số, kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thi được diễn ra tại 04 đơn vị là thành phố Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Phú và huyện Củ Chi với sự tham gia của hơn 560 người cao tuổi, góp phần phát huy vai trò người cao tuổi trong tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ người cao tuổi tại cộng đồng, đồng thời giúp Người cao tuổi nhận thức sâu sắc về vấn đề già hóa dân số và kỹ năng chăm sóc sức khỏe, trình diễn tài năng và thể hiện niềm đam mê ca hát.
- Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Tổ chức tập huấn các nội dung khám sức khỏe người cao tuổi năm 2024, dành cho tuyến quận huyện, phường xã. Có 381 người tham dự được chia làm 03 lớp đối tượng là đội ngũ Y bác sĩ tuyến huyện và xã. Mục đích nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia chương trình, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch khám sức khỏe người cao tuổi hàng năm. Trong năm 2025, Sở Y tế triển khai tập huấn cho các nhân viên y tế tham gia chương trình Khám, tầm soát bệnh mạn tính không lây nhiễm ở người cao tuổi định kỳ vào ngày 01 đến ngày 09 hàng tháng. Đến nay đã tập huấn cho 2.432 học viên là nhân viên y tế của Trung tâm Y tế, bệnh viện công lập và ngoài công lập, phòng khám đa khoa có tham gia chương trình Khám, tầm soát bệnh mạn tính không lây nhiễm ở người cao tuổi.
Tổ chức 12 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng cho hơn 891 lượt người trong đó là thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ người cao tuổi và thành viên Tổ tình nguyện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mới được thành lập trong năm 2024 và thành viên mới được bổ sung, kiện toàn.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học
Tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thích ứng già hóa dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” nhằm thảo luận về những thực trạng, khó khăn và đề xuất các giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của Thành phố nhằm thích ứng với quá trình già hóa Dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung vào một số nội dung về: Chính sách xã hội thích ứng với quá trình già hoá dân số; Thành phố thân thiện với người cao tuổi; Nhu cầu xã hội trong chăm sóc người cao tuổi, thực tiễn và tiềm năng từ Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ; Hạ tầng chăm sóc người cao tuổi; Khảo sát nhu cầu sử dụng Nhà dưỡng lão; Tính khả thi và thách thức của việc triển khai Bảo hiểm tuổi già; Các giải pháp thích ứng già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tổ chức Hội Thảo khoa học “Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với Già hóa dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh” với 22 bài tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế (đặc biệt về lão khoa), các nhà nghiên cứu, giảng viên trong các lĩnh vực liên quan đến dân số, chính sách xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức hội, nghề nghiệp có liên quan. Hội thảo cũng ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia để kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy, đổi mới và có những quyết sách phù hợp cho vấn đề thích ứng với già hóa dân số tại Thành phố.
Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác Dân số Thành phố vẫn còn phải giải quyết nhiều thách thức mới như: tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa Dân số tại Thành phố; hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa Dân số ngày càng tăng.
Trong thời gian tới, để giải quyết câu chuyện già hóa dân số cần sự chung tay vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đưa chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư hoạt động chăm sóc sức khỏe, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo mội trường thân thiện với người cao tuổi.
Xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử đồng bộ với tất cả các cơ sở y tế công tập và tư nhân đủ điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và kinh phí cho người cao tuổi khi khám chữa bệnh và đội ngũ chuyên môn, y bác sĩ.
Cải thiện hệ thống bảo hiểm y tế và hưu trí để giảm gánh nặng từ dân số già. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc thân thiện với người cao tuổi, tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi, đặc biệt các lao động có trình độ cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Định hướng phát triển hệ thống và đa dạng hóa các loại hình nhà dưỡng lão nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và đặc điểm địa lý tại Thành phố Hồ Chí Minh
Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở thông qua các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch được tổ chức triển khai cụ thể và phối hợp đồng bộ. Cùng với sự đồng lòng ủng hộ từ người dân trong việc thực hiện các chính sách, Thành phố đã huy động được tổng thể các nguồn lực tham gia và giải quyết tốt các vấn đề dân số của thành phố. Hoạt động công tác Dân số đã góp phần đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các thế hệ tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng một cộng đồng dân số khỏe mạnh, phát triển toàn diện và bền vững./.
Một số hình ảnh hoạt động:
Lễ ra mắt câu lạc bộ Người cao tuổi giúp Người cao tuổi tại Phường 11, Quận 11
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất tặng hoa chào mừng và cảm ơn đến TS Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học ông nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế)
Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai các mô hình chăm sóc y tế dành riêng cho người cao tuổi
Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi tại Trạm Y tế
[1] Bệnh viện thành lập khoa lão: Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, ĐH Y Dược, ĐKKV Hóc Môn, Nguyễn Trãi, Y học cổ truyền, PHCN- bệnh nghề nghiệp, Khu điều trị Phong, RHM Trung ương, Chấn thương chỉnh hình -phục hồi chức năng, RHM Thành phố, Thống Nhất, Da Liễu.
Bệnh viện có Khoa lão kết hợp khoa khác (đơn vị Lão khoa): An Bình, Đa khoa Vạn Hạnh, Quốc tế Hoàn Mỹ, Dân Thân, Xuyên Á, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Đa Khoa Tâm Anh, Đa Khoa Vạn Hạnh,
BV tuyến quận, huyện: BV Lê Văn Thịnh, BV Quận 6, 8, BV Thành phố Thủ Đức.
Chi cục Dân số Thành phố