GiadinhNet – Hơn 10 năm xây dựng và hoàn thiện, phần mềm kho dữ liệu điện tử của ngành Dân số đã mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích, cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành trong công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Khánh Hòa.
Giúp người quản lý tìm kiếm thông tin dễ dàng
Từ năm 2001, thực hiện chủ trương tin học hóa công tác dân số, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ (nay là Tổng cục DS-KHHGĐ) quyết định triển khai phần mềm kho dữ liệu điện tử với tên gọi MIS. Năm 2004, phần mềm này được triển khai đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến thời điểm này, Khánh Hòa đã xây dựng được kho dữ liệu cấp tỉnh và 8 kho dữ liệu cấp huyện; 89 xã/137 xã, phường trên toàn tỉnh đã trang bị máy vi tính và cài đặt phần mềm. Qua 4 lần cập nhật, đến nay, phần mềm ngày càng phát huy tính ưu việt trong hoạt động quản lý dân số. Các thông tin như: Số nhân khẩu, số hộ, số trẻ mới sinh… được cán bộ dân số cập nhật kịp thời vào kho dữ liệu. Cán bộ dân số chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính, không mất nhiều thời gian ghi chép như trước đây. Những thông tin, số liệu cập nhật được truyền tải vào kho dữ liệu dân số của tỉnh, nên cán bộ quản lý ở cấp trên cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình tại cơ sở.
Ông Huỳnh Tình, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vạn Ninh cho biết, toàn huyện có 31.000 hộ với gần 129.000 dân. Số lượng sổ sách nhiều nên cán bộ phụ trách dân số rất vất vả khi cập nhật thông tin. Đầu năm 2010 đến nay, công tác cập nhật kho dữ liệu điện tử ngày một hoàn thiện đã giúp người quản lý tìm kiếm thông tin dễ dàng, tổng hợp số liệu thống kê nhanh và thuận lợi hơn… Qua đó, các cơ quan chức năng có những giải pháp kịp thời để phân bổ dân cư, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, mức độ giảm sinh từng vùng miền…
Đáp ứng nhu cầu quản lý và điều hành của Chương trình DS-KHHGĐ
Bà Trần Thị Kim Ly, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn chia sẻ: Khi triển khai kho dữ liệu điện tử xuống tuyến huyện, cán bộ chuyên trách phải học tin học, làm quen với việc cập nhật thông tin dân số. Thời gian đầu tuy vất vả, nhưng nay rất thuận lợi khi tra cứu, đánh giá để làm báo cáo tháng, quý, năm, đồng thời lưu giữ thông tin trong thời gian lâu dài, giúp việc quản lý dân số trên từng địa bàn rõ ràng, chi tiết hơn.
Theo ông Trần Văn Phúc, Trưởng phòng Dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Khánh Hòa: Việc triển khai kho dữ liệu điện tử đã tin học hóa được đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tuyến huyện đến tuyến xã, đặc biệt là chuyển đổi từ phương thức báo cáo thủ công sang báo cáo điện tử. Các thông tin báo cáo điện tử đã đáp ứng được nhu cầu trong việc quản lý và điều hành của chương trình dân số. Hiện nay, các địa phương vẫn duy trì thường xuyên việc cập nhật thông tin biến động dân số vào kho dữ liệu điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, phần mềm cũng có một số bất cập là chưa kết nối từ tuyến xã lên tuyến huyện. Hơn 70% các xã đã được trang bị máy tính và cài đặt phần mềm, nhưng công tác quản lý ở tuyến xã vẫn thực hiện thủ công qua sổ ghi chép ban đầu, sau đó mới cập nhật bằng phần mềm. Ngoài ra, phần mềm vẫn chưa nhập hoặc loại bỏ một số thông tin đối với những trường hợp đã chuyển đi nơi khác, không còn sống tại địa bàn…
Để khắc phục những tồn tại và hoàn thiện phần mềm, vừa qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã chọn kho dữ liệu điện tử Khánh Hòa làm thí điểm khảo sát để nhân rộng cho các địa phương khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, phần mềm cũng có một số bất cập là chưa kết nối từ tuyến xã lên tuyến huyện.
Hơn 70% các xã đã được trang bị máy tính và cài đặt phần mềm, nhưng công tác quản lý ở tuyến xã vẫn thực hiện thủ công qua sổ ghi chép ban đầu, sau đó mới cập nhật bằng phần mềm. Ngoài ra, phần mềm vẫn chưa nhập hoặc loại bỏ một số thông tin đối với những trường hợp đã chuyển đi nơi khác, không còn sống tại địa bàn…
Trang Nguyễn/Báo Gia đình & Xã hội