GiadinhNet – Lợi ích thiết thực từ mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) miễn phí cho nữ công nhân tại các khu công nghiệp ở TP HCM hơn 4 năm qua đã khiến cả công nhân, doanh nghiệp, ngành DS-KHHGĐ đều hết sức phấn khởi.
Vạn sự khởi đầu nan
Hơn bốn năm qua, cứ “đúng hẹn lại lên” mỗi năm 2 lần là chị em công nhân tại Công ty may mặc Cường Tài (17/6A Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp) và nhiều cơ sở tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn TP HCM lại được dịp “nhỏ to tâm sự chuyện phụ nữ” cùng các bác sĩ phòng khám SKSS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS- KHHGĐ TP HCM, được các chuyên gia ân cần giải thích các thắc mắc không dễ chia sẻ. Ngoài cơ hội “giãi bày chuyện khó nói”, chị em công nhân còn được các bác sĩ thăm khám, điều trị bài bản về SKSS-KHHGĐ với nhiều thiết bị y tế lưu động (siêu âm, soi tươi, chiếu chụp…).
“Sau nhiều năm được chăm sóc nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí, nên cứ gần 6 tháng là chị em bắt đầu hỏi: “Bao giờ thì các bác sĩ ngành Dân số đến?”. Đã có lịch rồi, Công đoàn sẽ phối hợp với Phòng khám SKSS-KHHGĐ cứ thế mà thực hiện thôi…”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty may mặc Cường Tài chia sẻ với nụ cười hóm hỉnh.
Để có sự sẻ chia vui vẻ ấy, thời gian đầu đại diện Công đoàn Công ty cùng các bác sĩ Phòng khám SKSS-KHHGĐ đã phải nỗ lực vượt qua không ít thử thách. “Hoạt động phối hợp được tổ chức ngay tại Công ty đã mất thời gian, công sức rồi mà kết quả nhiều chị em công nhân không chịu tham gia mới “ức” chứ. Một số chị em đã lập gia đình thì lắc đầu vì ngại “chất lượng khám miễn phí”, một số khác chưa lập gia đình lại lắc đầu vì “đã lấy chồng đâu mà lo chuyện đẻ đái”(?!). Vậy là hai bên (Công đoàn và Phòng khám) lại phải cùng nhau bắt tay vào truyền thông thật cặn kẽ, thật dễ hiểu cho chị em “thông” tư tưởng. Giải quyết khó khăn này cũng “mệt” ra trò. Nhưng khi chị em đã hiểu thì mọi chuyện lại suôn sẻ bất ngờ…”, bà Nguyệt nhớ lại buổi đầu đối với công tác ý nghĩa này.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Trong khi các bác sĩ tư vấn, khám sức khỏe tận tình để xóa tan ý nghĩ “miễn phí thì chất lượng kém”, phía các cán bộ Công đoàn cũng “ra tay”. Công đoàn vừa vận động bằng cách giải thích với các em chưa lập gia đình về chuyện SKSS phải lo từ trước khi có chồng, đồng thời còn quy định mọi công nhân nữ phải có kết quả thăm khám SKSS để đạt yêu cầu của Công ty, ai chưa có phải đi khám bên ngoài sẽ rất tốn tiền! Vậy là khó khăn được hóa giải…”, bà Nguyệt vui vẻ kể.
Bà Nguyệt hiện còn đảm nhiệm vai trò Kế toán trưởng và Trưởng phòng nhân sự Công ty may mặc Cường Tài, thẳng thắng chia sẻ lý do gắn kết từ phía doanh nghiệp đối với hoạt động của ngành Dân số trong việc chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho nữ công nhân.
“Là công ty may mặc xuất khẩu, trong nhiều qui định từ phía đối tác nước ngoài, có một yêu cầu mà mình phải đáp ứng: Muốn xuất được sản phẩm, ngoài việc chất lượng phải “Ok” thì doanh nghiệp đó phải đảm bảo chăm lo sức khỏe đầy đủ cho người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Tất cả công nhân phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần, không bị lạm dụng sức lao động. Riêng với nữ công nhân còn có thêm chi tiết là phải xác nhận đã được chăm lo SKSS…”, bà Nguyệt giải thích thêm.
Sự gắn kết giữa ngành Dân số với các doanh nghiệp – tất cả vì người lao động
Công ty may mặc Cường Tài hiện có gần 500 công nhân, trong đó khoảng 350 công nhân là nữ. Từ góc độ quản trị doanh nghiệp, hoạt động phối hợp với ngành Dân số chăm lo sức khỏe miễn phí cho chị em công nhân, không chỉ gia tăng năng suất lao động mà còn giúp Công ty này tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ. “Bởi vậy, ban lãnh đạo Công ty luôn hoan nghênh và gắn chặt hoạt động chăm lo nữ công nhân với Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM, với Phòng khám SKSS – KHHGĐ”, bà Nguyệt thẳng thắng cho biết.
Thời gian qua, một công ty “hàng xóm” của Công ty may mặc Cường Tài lần đầu tiên phối hợp cùng Phòng khám SKSS- KHHGĐ chăm lo cho chị em công nhân khiến sự phấn khởi càng lan rộng. “Chủ tịch Công đoàn đơn vị ấy là nam giới nên có phần e ngại trong hoạt động này. Tuy nhiên, anh này nhận được sự động viên từ Liên đoàn Lao động TP HCM, rồi mình cũng tham gia chia sẻ thêm, nói riết, anh ấy đã hiểu và tham gia hào hứng”, bà Nguyệt “bật mí” nguyên nhân.
Cũng theo bà Nguyệt, doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc xuất tại TP HCM đang có may mắn hơn ở các tỉnh, thành khác, ít nhất là trong vấn đề chăm lo đời sống, sức khỏe nữ công nhân. “Nhiều đồng nghiệp hoạt động công đoàn tại trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu có trao đổi với mình về yêu cầu của đối tác. Mình cũng thuật chuyện phối hợp cùng ngành Dân số và thấy rõ là may mắn, bởi mô hình này không phải ở tỉnh nào cũng có”, bà Nguyệt chia sẻ thêm.
Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm này Phòng khám SKSS – KHHGĐ miễn phí dành cho nữ công nhân, học sinh – sinh viên và phụ nữ nghèo mới chỉ có tại TP HCM. Qua 5 năm “chạy thử” (2011-2015), Phòng khám SKSS-KHHGĐ (823 Hồng Bàng, phường 9, quận 6, TP HCM) đã được chính quyền TP HCM “rót” hơn 8,5 tỷ từ ngân sách địa phương. Hoạt động chủ lực của đơn vị đặc biệt này là khám, tư vấn SKSS- KHHGĐ ngoại viện, lưu động (đến tận công ty, xí nghiệp, các địa phương khó khăn) bên cạnh hoạt động tại chỗ.
Số liệu cho thấy đã có 58.500 lượt nữ công nhân, phụ nữ nghèo được khám, điều trị SKSS-KHHGĐ qua phương thức lưu động trong vòng 5 năm qua. Tại phòng khám, con số này là hơn 5.000 lượt.
9 tháng đầu năm, đã có 15.011 lượt nữ công nhân được khám, điều trị SKSS miễn phí
Qua những kết quả đạt được, từ đầu năm 2016 chính quyền TP HCM đã quyết định tiếp tục sử sụng ngân sách địa phương nhằm duy trì và phát triển mô hình Phòng khám SKSS – KHHGĐ miễn phí cho công nhân. Trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có 15.011 lượt nữ công nhân, phụ nữ nghèo được khám, điều trị SKSS-KHHGĐ qua hình thức lưu động (năm 2015 đạt 9.957 lượt), tại phòng khám con số này là hơn 1.815 lượt (năm 2015 đạt 936 lượt). Số liệu trên cho thấy mô hình chăm lo sức khỏe nữ công nhân thông qua Phòng khám SKSS – KHHGĐ miễn phí của Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng không chỉ từ chị em công nhân mà còn từ các doanh nghiệp. Nỗ lực phối hợp giữa ngành Dân số với Công đoàn doanh nghiệp đã thực sự mang đến lợi ích thiết thực cho nhóm đối tượng yếu thế trong cộng đồng…
Đỗ Bá