Vai trò truyền thông trong việc ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

0
152

GiadinhNet -Đầu tư hơn nữa cho công tác truyền thông; tăng cường truyền thông trực tiếp và đẩy mạnh cung cấp các ấn phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những nội dung chính trong tọa đàm “Giải pháp nào giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” do VTV5 tổ chức ngày 3/4 vừa qua tại Hà Nội.

Cán bộ dân số huyện Bảo Lộc- Lâm Đồng truyền thông đề án giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến người dân vùng sâu, vùng xa. ảnh: Dương Ngọc
Cán bộ dân số huyện Bảo Lộc- Lâm Đồng truyền thông đề án giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến người dân vùng sâu, vùng xa. ảnh: Dương Ngọc

Nỗ lực của ngành Dân số

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là những vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống. Đây là một bước cản lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi. Vì vậy, ngay từ năm 2009, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tiến hành triển khai mô hình “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 5 tỉnh trên địa bàn cả nước. Đến năm 2015, mô hình được nhân rộng ra 22 tỉnh/thành phố; xây dựng 752 câu lạc bộ can thiệp tại các địa phương với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Tuy nhiên, theo ông Lê Cảnh Nhạc, việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gặp rất nhiều khó khăn, từ việc hạn chế trong nguồn kinh phí đến việc tiếp cận truyền thông đến từng đối tượng. Do đó, trong giai đoạn 2009-2015, để triển khai có hiệu quả ở 22 tỉnh có mô hình can thiệp, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tích cực xây dựng các chương trình truyền thông, đặc biệt chú trọng truyền thông trực tiếp.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần phải quan tâm cung cấp các ấn phẩm truyền thông, trong đó có cả ấn phẩm bằng tiếng dân tộc và hình vẽ để đồng bào dân tộc dễ tiếp cận nguồn thông tin. Trong giai đoạn 2009 – 2015, Tổng cục DS – KHHGĐ đã thành lập các điểm truyền thông, điểm tư vấn trực tiếp cho người dân nhất là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những trẻ em gái tuổi từ 10-24 và những đối tượng thuộc nhóm dễ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, phía Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Ban Tư pháp của các địa phương trong việc tư vấn, cung cấp thông tin cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn đồng thời kếp hợp cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban dân tộc), qua thực tế tại các địa phương, đặc biệt là những vùng đã và đang thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Tổng cục DS-KHHGĐ triển khai, dễ dàng có thể thấy sự khác biệt về nhận thức của đồng bào dân tộc ở những vùng dân tộc này so với những nơi chưa được triển khai mô hình. Theo đó, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở những vùng có triển khai mô hình thấp hơn rất nhiều các địa phương khác. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của ngành Dân số.

Đầu tư hơn nữa nguồn kinh phí

Bà Nguyễn Thị Tư cho biết: Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 498 về việc phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, giao nhiệm vụ cho tất cả các bộ, ngành, đặc biệt Ủy ban dân tộc là cơ quan thường trực với mục tiêu chung là đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, phấn đấu mỗi năm giảm từ 2-3% tình trạng tảo hôn và 3-5% tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Tư, nối tiếp những nỗ lực mà Tổng cục DS-KHHGĐ đã làm trong thời gian vừa qua trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ngay khi nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban dân tộc nói riêng và các cơ quan Bộ, ngành trên cả nước nói chung như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục… đã bắt tay vào việc triển khai Đề án.

Sau 2 năm triển khai, bước đầu thấy được sự thay đổi dần dần trong nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án đang gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí quá hạn hẹp, như “muối bỏ biển” so với công tác truyền thông, vận động. Do đó, bà Nguyễn Thị Tư cho rằng, nếu không được đầu tư thích đáng hơn nữa, các mục tiêu của Đề án rất khó có thể thực hiện được. Điều này đồng nghĩa với việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thất học, nghèo đói sẽ mãi là một vòng luẩn quẩn đối với các đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng quan điểm với ông Lê Cảnh Nhạc, bà Nguyễn Thị Tư cho biết: Hiện nay, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc truyền thông, nhất là truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng. Theo thống kê số phụ nữ và trẻ em gái trong 53 dân tộc thiểu số, chỉ khoảng 70% biết nói và viết tiếng phổ thông, số còn lại, hầu như không thể nghe được những phương tiện thông tin truyền thông. Việc người đồng bào dân tộc không biết tiếng Kinh là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác truyền thông vận động nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Do đó, cả lãnh đạo Vụ Dân tộc thiểu số và Tổng cục DS-KHHGĐ đều cho rằng, để tiếp cận trực tiếp được với người dân tộc, việc cần thiết là cần đầu tư vào nguồn lực, đầu tư để cho ra những sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, để người dân tộc nói với người dân tộc thông qua các mô hình truyền thông trực tiếp, qua các hội thảo, tọa đàm nhóm, qua sự tiếp cận của những người có uy tín tại cộng đồng… như vậy, công tác truyền thông mới thự sự có hiệu quả trong việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo điều tra về thực trạng kinh tế xã hội năm 2015, trong 53 dân tộc thiểu số nói chung, tỷ lệ tảo hôn là 26,6%. Trong đó, đáng chú ý có 13 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50%; 6 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 50%, cá biệt có những dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 70-72%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống thấp hơn, chiếm gần 1%. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiên trọng đến chất lượng giống nòi, sức khỏe và sự phát triển bền vững sau này của đất nước.

Mai Thùy – Chí Cường