GiadinhNet – Mặc dù tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của cả nước đạt kế hoạch đề ra nhưng tại một số địa phương, chỉ tiêu này là không đạt mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp. Trên 50% số tỉnh, thành phố TSGTKS của năm sau cao hơn năm trước; nhiều hoạt động không thực hiện được do nguồn kinh phí cấp chậm… Những khó khăn, thách thức trên đã được nêu ra tại “Hội thảo đánh giá 1 năm triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025”, do Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh châu Âu, tổ chức tại Quảng Nam trong hai ngày 16 – 17/5.
Hàng triệu nam giới đối mặt nguy cơ… ế vợ
Kể từ năm 2006, mất cân bằng GTKS đã trở thành vấn đề nóng của Việt Nam, nóng từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn xã hội. Mặc dù xuất hiện sau một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng MCBGTKS của Việt Nam lại diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng. Tỉ số này đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2014.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu TSGTKS vẫn tiếp tục tăng cao mà không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh không mấy sáng sủa khi có từ 2,3 – 4,3 triệu nam giới không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, sự MCBGTKS sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số nhân khẩu học, dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội.Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước đã có những giải pháp tích cực nhằm khắc phục. Ngày 23/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Ngay sau đó, Bộ Y tế có Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 và Công văn số 4111/BYT-TCDS ngày 05/7/2016 của Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh.
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Đề án, bước đầu đã có nhiều hoạt động có kết quả, được tổ chức thực hiện từ Trung ương với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và tại các địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ thì năm 2016, các nội dung công việc mới tập trung chính vào hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án của tỉnh, triển khai Đề án sau khi được phê duyệt nên chưa chú trọng các nhóm hoạt động thực hiện giải pháp các chính sách khuyến khích hỗ trợ. Bên cạnh đó, còn có khó khăn rất lớn do chậm kinh phí. Tại Trung ương, đến tháng 10 năm 2016 mới được giao tạm ứng kinh phí ngân sách Trung ương lần 1 nên nhiều hoạt động chưa được thực hiện.
Quyết tâm đưa TSGTKS về tự nhiên
Tại các địa phương, việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án cũng chậm, hầu hết được phê duyệt trong Quí IV, có nhiều tỉnh tháng 12/2016 mới được phê duyệt kế hoạch. Các hoạt động triển khai thiếu đồng bộ, chưa có đột biến, chưa tạo thành phong trào nên hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về kiểm soát MCBGTKS tại một số nơi không được thường xuyên liên tục, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn chưa được quyết liệt, các chế tài chưa đủ sức răn đe. Các giải pháp can thiệp chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong công tác kiểm soát MCBGTKS. Nhiều tỉnh TSGTKS năm sau vẫn cao hơn năm trước và có xu hướng tăng.
Ở bình diện chung toàn quốc, tốc độ gia tăng TSGTKS đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng ở một số địa phương chỉ tiêu này là không đạt mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp. Theo dõi số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành Dân số hàng năm, trên 50% số tỉnh, thành phố TSGTKS của năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2016, chỉ có 18 tỉnh, thành phố có TSGTKS giảm, còn 45 tỉnh, thành phố có TSGTKS tăng so với năm 2015. Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, TSGTKS vẫn tăng hàng năm. Năm 2014, 15/63 tỉnh, thành phố có TSGTKS trên 115/100 là những tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2015, giảm xuống 13/63 tỉnh, thành nhưng tăng thêm ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016, tăng lên 22/63 tỉnh, thành.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu MCBGTKS trong khu vực và quốc tế, đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.
Một số tỉnh tham dự Hội thảo đã chia sẻ tình hình, kinh nghiệm triển khai thực hiện các hoạt động kiểm soát MCBGTKS của địa phương, tập trung vào những nội dung chính của Đề án gồm: Kết quả thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái được thực hiện từ nguồn vốn do EU tài trợ; kết quả thực hiện việc đưa nội dung về MCBGTKS vào chương trình giáo dục tại trường THPT, THCS; kết quả triển khai các chính sách khuyến khích nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái… Sau 1 năm triển khai Đề án, đã có 40 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020; 38 tỉnh, thành phố được Hội đồng nhân dân tỉnh đưa chỉ tiêu về khống chế sự gia tăng TSGTKS vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; 23 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh bố trí kinh phí địa phương để triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020 với kinh phí bố trí trung bình 250 triệu đồng/1 năm. Trong đó, kinh phí được bố trí cao nhất là Hà Nội 41.210,8 tỷ đồng; tiếp đến là Cà Mau 18.535 tỷ đồng và thấp nhất là tỉnh Quảng Trị, 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, với nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tốc độ tăng TSGTKS đã chậm lại, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Theo ông, vấn đề cốt lõi vẫn là những tư tưởng, quan niệm ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân thích sinh con trai hàng nghìn năm nay. Nhiều người dân vẫn tìm mọi cách để sinh cho bằng được con trai để “nối dõi tông đường”, để lo việc thờ cúng của gia đình, dòng họ.
“Việc giảm TSGTKS là một việc rất khó khăn, không thể ngày một ngày hai mà nó đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của tất cả chúng ta. Đây là một việc rất khó nhưng không thể không làm. Tôi tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm hành động, chúng ta sẽ đưa được TKGTKS quay trở về mức bình thường”, ông Nguyễn Văn Tân nói.
Hà Thư