Sức ép có con trai khiến phụ nữ mắc nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi

0
253

GiadinhNet – Cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, trong trường hợp gia đình đã có con gái mà người chồng thích con trai thì người vợ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với bình thường. Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm “Trầm cảm sau sinh: Chúng ta biết gì? Có thể làm gì?” do Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/8.

Áp lực phải sinh con trai khiến nhiều phụ nữ trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa
Áp lực phải sinh con trai khiến nhiều phụ nữ trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa

Nguy hại đến cả mẹ và con

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Y Hà Nội cho thấy, ngoài những nguyên nhân về sự thay đổi trong cơ thể sau khi sinh con và yếu tố kinh tế gia đình thì áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh con.

Trường hợp của chị Mai Ly (tên nhân vật đã được thay đổi) 36 tuổi ở Hải Dương là một điển hình. Khi chị sinh con thứ hai cũng là con gái, theo lời chị kể qua đường dây tư vấn của báo: “tôi phải chịu cảnh khinh rẻ của gia đình nhà chồng”. Gia đình chồng chị có 3 anh em trai đều sinh con một bề là gái, nhưng các nàng dâu kia không bị áp lực về tinh thần vì chồng chị là con trưởng. “Đó đâu phải là lỗi của tôi, nhưng nhà chồng nói là họ vô phúc khi lấy tôi, không biết đẻ con nối dõi cho gia đình nhà chồng. Giờ tôi sức khỏe kém, tuổi lại cao khó có thể mang thai tiếp, nhà chồng muốn tôi chia tay chồng để anh ấy tìm con nối dõi. Vì không đồng ý, tôi bị chồng bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Giờ đồng ý ly hôn thì tôi tay trắng, cũng không thể quay về nhà bố mẹ đẻ được vì các cụ không bao giờ đồng ý con cái bỏ chồng. Quyết tâm ở lại thì bị đày đọa, ngày ngày hai đứa con nhìn mẹ bị mắng chửi chúng cũng sợ hãi và buồn bã”.

Còn trường hợp của chị Linh ở Bắc Ninh, bắt đầu mang thai đứa con thứ hai, chị bị sụt cân nghiêm trọng vì ăn ít, ngủ ít. Chồng chị là con một, lại là trưởng họ nên ngay khi yêu và lấy anh, chị đã không được sự đồng thuận của mẹ chồng vì bà nói “tao xem bói rồi, tuổi hai đứa lấy nhau khó có con trai, chia tay bây giờ cho đỡ khổ”. Sinh con đầu lòng là gái nên áp lực phải sinh con trai lần này làm chị càng căng thẳng. Khi sinh được bé trai rồi mà đêm đêm chị vẫn phải nhìn kỹ xem là thực hay mơ, rồi chị nghĩ “may mà sinh được con trai, nếu không sẽ khó ở với gia đình nhà này”. Suy nghĩ đó khiến chị khó chịu, bực bội cộng với cảnh đứa bé hay quấy khóc, chồng hay cáu, mẹ chồng bảo không biết nuôi con làm chị phát điên. “Có đêm tôi nằm khóc, nghĩ quẩn, giờ mình bế thằng bé nhảy xuống sông cho họ phải than khóc để trả thù cách họ đối xử với mình. Ý nghĩ ấy nung nấu khiến tôi đã quyết tâm thực hiện. Đúng hôm đó thằng bé bị sốt, nhìn con nằm thiêm thiếp nắm chặt tay mẹ, tôi chợt bừng tỉnh”.

Cần lên án việc phân biệt giới tính khi sinh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai về gánh nặng y tế. Có khoảng 10% -20% phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con trên toàn cầu từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Tại Việt Nam, rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho đứa con. Tỉ lệ trầm cảm sau sinh ở nước ta theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.

Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bị áp lực phải sinh con trai. Bà Trần Thơ Nhị, Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Đối với những thai phụ sinh non thì nguy cơ bị trầm cảm cao gấp gần 3 lần so với bình thường. Những ông chồng thích thai nhi là con trai thì nguy cơ của người phụ nữ bị trầm cảm cao gấp gần 2 lần so với những trường hợp ông chồng không quan tâm về mặt giới tính.” Có thể thấy, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con. Theo khảo sát, có tới 6,2% phụ nữ bị chồng bạo hành đã sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân. Có hơn 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo hành, nhưng có gần một nửa số trường hợp không thông báo cho người khác. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai. Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai, chiếm 32,2%, tiếp theo là bạo lực tình dục 9,8% và bạo lực thể xác 3,5%.

TS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, những bệnh nhân trầm cảm, trong đó có phụ nữ mang thai và sau khi sinh con đến các bệnh viện chuyên khoa đều trong tình trạng muộn: “Những trường hợp đã đến với tôi thường là những trường hợp đáng tiếc. Quần thể người trầm cảm sau sinh giống như hình chóp nón. Chỉ phần chóp đến điều trị thôi, còn phần nhiều hơn là những người bệnh không được phát hiện, không được chữa trị”.

Đã đến lúc những phụ nữ mang thai và sau khi sinh cần được theo dõi đầy đủ về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần. Những chính sách can thiệp y tế và các dịch vụ chăm sóc trước sinh, sau sinh cần được xây dựng và bổ sung để việc thực hiện trở thành thường quy tại các cơ sở y tế. Bên cạnh việc dự phòng tai biến sản khoa, phòng chống nhiễm khuẩn, các y, bác sỹ còn phải chăm sóc về tâm lý trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Điều quan trọng nhất là sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, người chồng để phụ nữ đỡ vất vả hơn, đỡ áp lực tâm lý và đỡ căng thẳng hơn khi thực hiện thiên chức của một người vợ, người mẹ, đặc biệt là phải chống phân biệt đối xử chuyện sinh con trai, con gái và áp lực nối dõi tông đường của một bộ phận không nhỏ trong người dân.

Qua thực tế nghiên cứu về trầm cảm sau sinh, ThS Phạm Kiều Linh, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số cho biết, trong hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ sức khỏe sinh sản thì trầm cảm trong khi mang thai hoặc sau khi sinh không được nhắc đến. Gần như các sản phụ đều không được theo dõi sức khỏe tâm thần sau sinh. Nhiều người không được can thiệp y tế kịp thời khi căng thẳng, lo âu kéo dài. Trong khi đó, chính các bác sĩ cũng chưa để ý đến các dấu hiệu trầm cảm của phụ nữ sau sinh: “Các cán bộ y tế không thuộc chuyên ngành tâm thần chưa có sự nhạy cảm cần thiết để phát hiện hay nghi ngờ các trường hợp trầm cảm. Ví dụ, có trường hợp đau dạ dày một năm, đau bụng, đi khám, nội soi thì không thấy bất kỳ biểu hiện gì về thực thể. Sau đó 1 năm, bệnh nhân đi khám tại nơi khác thì mới phát hiện là không có vấn đề gì về dạ dày cả mà vấn đề là sức khỏe tâm thần, lo âu trong cuộc sống”.

Hà Anh – Văn Hải