GiadinhNet – Thay vì thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ thì hiện nay, khi Đề án 818 đi vào cuộc sống, người dân ở Thái Bình, đặc biệt là ở huyện Đông Hưng đã chủ động “trả tiền” để được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu.
Cán bộ dân số xã Đông Hoàng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) giới thiệu, tư vấn cho người dân sử dụng các sản phẩm của Đề án 818. Ảnh: TL
Góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân số
Tại một buổi truyền thông do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hưng tổ chức tại xã Đông Dương, chị Phạm Thị Luyến (ở thôn Phương Cúc” chia sẻ: “Tham gia buổi truyền thông, bản thân tôi đã hiểu biết hơn về vai trò, tác dụng của những biện pháp tránh thai hiện đại; về các bệnh thường mắc qua đường sinh sản; học được nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cho gia đình”.
Được giới thiệu Đề án và sản phẩm của Đề án 818, chị Luyến cho biết rất tin tưởng về chất lượng, hiệu quả, bởi sản phẩm được sản xuất từ các công ty lớn, có nguồn gốc rõ ràng. “Tôi sẽ sử dụng và động viên mọi người cùng mua và sử dụng để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản, đồng thời KHHGĐ dừng lại ở 2 con để chăm sóc và nuôi dạy cho tốt”, chị Luyến nói.
Năm 2017, Đông Hưng là huyện đầu tiên trong tỉnh Thái Bình triển khai Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2015 – 2020 (gọi tắt là Đề án 818). Đề án 818 được triển khai với mục đích chia sẻ gánh nặng chi phí cho Nhà nước về các dịch vụ DS-KHHGĐ; tạo hành lang, cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho người dân; giới thiệu đa dạng hóa các sản phẩm KHHGĐ, chăm sóc SKSS đến người dân, trong đó chú trọng các sản phẩm hiện đại, có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong thời kỳ hiện đại và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng các sản phẩm, dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS.
Ông Vũ Viết Họa, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chia sẻ: Khi tiếp nhận, triển khai Đề án 818, Trung tâm xác định việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con, đặc biệt ở những gia đình kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen mua sản phẩm chăm sóc SKSS, phương tiện tránh thai để sử dụng mà vẫn quen sử dụng miễn phí do nhà nước tài trợ. Khi không còn được cấp phát mà phải bỏ tiền túi ra mua để sử dụng với họ cũng là vấn đề lớn, không phải việc dễ dàng chấp thuận ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã tăng cường phối hợp với Trung tâm Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức các hội nghị tư vấn nhóm giới thiệu về các mô hình, đề án.
Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ chuyên trách
Ngoài phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền tại các hội nghị, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hưng cũng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác, như tuyên truyền qua mạng xã hội; tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu; tập huấn, trang bị kỹ năng truyền thông, tư vấn cho toàn thể cán bộ dân số chuyên trách và cộng tác viên dân số, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tại cơ sở.
Kết quả, toàn huyện đã tiêu thụ được trên 22.000 sản phẩm của Đề án, chiếm 62% tổng sản phẩm tiêu thụ toàn tỉnh. Trong đó, cung ứng được 2.450 vỉ viên uống tránh thai; 19.956 chiếc bao cao su và một số sản phẩm dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro, hộp viên sắt Axit foclic, lọ dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis. Nhiều xã tiêu biểu, triển khai tốt Đề án như Đông Phương, Đông Xuân, Đông Các, Đông Hợp, An Châu, Đông Hoàng, Đông Xá, Mê Linh…
Trước thực trạng số trẻ sinh, số con thứ ba và tỷ lệ sinh con thứ ba, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trong 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu gia tăng, đòi hỏi công tác DS-KHHGĐ cần được các ngành, các địa phương quan tâm đẩy mạnh. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện sẽ tập trung nâng cao hiệu quả các đề án; tập trung rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ ba và người có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên để có biện pháp tuyên truyền, tư vấn, vận động.
Để đẩy mạnh công tác dân số ở Đông Hưng, theo ông Vũ Họa, Trung tâm DS-KHHGĐ sẽ phát huy vai trò hoạt động của đội ngũ cán bộ dân số chuyên trách và cộng tác viên dân số, tiếp tục tuyên truyền tích cực, bền bỉ để người dân chấp nhận tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ KHHGĐ/SKSS thuộc Đề án 818. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Đông Hưng đã tổ chức 38 hội nghị truyền thông tại 38 xã, thu hút trên 6.000 phụ nữ tham gia. Cán bộ y tế đã giúp chị em tìm hiểu kiến thức về KHHGĐ, chăm sóc SKSS như nguyên nhân, hậu quả và cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản; giới thiệu cho chị em tiếp cận các sản phẩm thuộc Đề án 818 của Tổng cục DS-KHHGĐ và tư vấn cho những đối tượng có nhu cầu lựa chọn những dịch vụ chất lượng, phù hợp với khả năng.
Hà Dung