GiadinhNet – Từ cuối năm 2017, xuyên suốt năm 2018 cho đến nay, tổ chức bộ máy làm dân số được coi là vấn đề “nóng bỏng” được quan tâm nhất cũng như đem lại nhiều băn khoăn, trăn trở nhất cho những người làm dân số. Do vậy, làm sao để thực hiện đồng bộ, thống nhất và ổn định bộ máy tổ chức càng sớm càng tốt là vấn đề rất cấp thiết đối với công tác dân số hiện nay.
Việc sắp xếp bộ máy tổ chức tuyến huyện đang là trăn trở của những người làm công tác dân số ở cơ sở. Ảnh: Hà Anh
Thiếu nhất quán giữa các địa phương trên cả nước
Ngày 14/5/2008, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế ở cấp tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cán bộ dân số xã là viên chức thuộc Trạm Y tế xã và cộng tác viên dân số thôn bản hoạt động tại các địa phương. Sau khi Thông tư 05 ban hành các địa phương đã kiện toàn hệ thống tổ chức các cấp.
Theo đó, 63/63 tỉnh/TP thành lập Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế; ở cấp huyện, 59 tỉnh/TP thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, có 3 tỉnh/TP là Hà Nội, Gia Lai và Quảng Trị thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND cấp huyện. Riêng TP Hồ Chí Minh giao việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cấp huyện cho một nhóm công chức của Phòng Y tế và phân công 1 Phó phòng Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ.
Thời gian qua, sau khi vận hành bộ máy theo Thông tư 05, một số địa phương nhận thấy sự thuận lợi cũng như hiệu quả của mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện và mô hình cán bộ dân số xã là viên chức thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, làm việc tại UBND xã, do đó, nhiều địa phương đã tiến hành chuyển đổi theo các mô hình trên.
Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017, hiện nay mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở các địa phương đã có nhiều thay đổi, nhất là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện và việc tinh giản biên chế đối với một số cán bộ dân số đang khiến nhiều cán bộ làm công tác dân số không khỏi băn khoăn lo lắng.
Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay, ông Lương Quang Đảng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, có 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận và Vũng Tàu đã xây dựng Đề án chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng Dân số trực thuộc Sở Y tế. Điều này đã tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng tới công việc được giao.
Đối với bộ máy dân số cấp huyện, đã có 21 tỉnh thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre và Cà Mau và 36 tỉnh đã và đang xây dựng Đề án cũng như quyết định sáp nhập các Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế. Còn lại 6 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập là Bắc Kạn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, TP HCM và Đồng Nai. Việc thực hiện không nhất quán giữa các địa phương đã gây ra tình trạng xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên dân số.
Cần tinh gọn, hiệu quả và không gây xáo trộn
Tại Hội nghị triển khai công tác dân số năm 2019 của ngành Dân số, ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Từ cuối năm 2017, xuyên suốt năm 2018 cho đến nay, tổ chức bộ máy làm dân số được coi là vấn đề “nóng bỏng”, được quan tâm nhất cũng như đem lại nhiều băn khoăn, trăn trở nhất cho những người làm dân số nói riêng và nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân nói chung.
Theo ông Nguyễn Bá Tân, tại Nghệ An, hơn 10 năm qua, bộ máy làm công tác dân số từ cơ sở đến tỉnh đã được kiện toàn có hệ thống chặt chẽ, tinh gọn, chuyên môn sâu, làm việc có hiệu lực, hiệu quả nên đã đem lại những kết quả đáng mừng như làm ổn định quy mô dân số và ngày càng nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là một trong 7 tỉnh có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao và chưa giảm bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn đang phải đối diện với nhiều vấn đề như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… do đó, theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nếu tiến hành sáp nhập sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn cho công tác dân số của Nghệ An trong thời gian tới.
Còn tại Quảng Ninh, một trong những tỉnh “tiên phong” trong việc thực hiện việc sáp nhập, tính đến ngày 1/7/2018, toàn tỉnh đã hoàn thành việc bàn giao, sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố vào Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế Quảng Ninh.
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, đến nay, sau 6 tháng thực hiện việc sáp nhập, mô hình mới dần ổn định, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, đặc biệt là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quy chế phối hợp, chuẩn hóa về đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch bổ nhiệm…Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dân số trong tình hình mới.
Theo ông Lương Quang Đảng, trên cơ sở từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác dân số tuyến tỉnh, huyện và tuyến xã trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, quan điểm của Bộ Y tế về mô hình tổ chức trong thời gian tới là giữ nguyên bộ máy Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế.
Đối với mô hình tổ chức cấp huyện, trong thời gian tới vừa phải đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở với công tác dân số vừa đảm bảo sự quản lý tinh gọn, thống nhất về công tác dân số khi sáp nhập vào hệ thống y tế và trong tiến trình cải cách hành chính, tinh giản tổ chức, cán bộ hiện nay. Sau khi đánh giá hoạt động của các mô hình cho thấy cần thành lập Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế. Khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ với Trung tâm Y tế thì tỉnh/TP phải giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ.
Đối với tuyến xã, những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho Trạm Y tế xã quản lý điều hành. Những nơi chưa tuyển dụng viên chức dân số xã thì giao cho viên chức Trạm Y tế thực hiện công tác dân số hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách làm công tác dân số; khi chuyển cho Trạm Y tế quản lý thì cần giao nhiệm vụ cho Trạm Y tế xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Riêng với cộng tác viên dân số, khuyến khích đội ngũ này kiêm nhiệm các hoạt động tương đồng, có như vậy công tác dân số mới đem lại hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới mà BCH Trung ương Đảng đã đề ra.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh: “Hiện nay, bộ máy tổ chức làm công tác dân số vẫn chưa có sự thống nhất trên cả nước, đâu đó vẫn nghe tiếng “kêu”, nếu như thế này thì khó phát triển. Do vậy, chúng ta phải thực sự quan tâm, quan tâm một cách thấu đáo hơn nữa. Cơ cấu tổ chức không ổn định, không thật phù hợp thì triển khai công tác dân số sẽ rất khó. Vì vậy, dưới sự tham mưu, chỉ đạo của Tổng cục DS-KHHGĐ, UBND các tỉnh, làm sao cố gắng đảm bảo ổn định bộ máy tổ chức càng sớm càng tốt”.
Ngày 5/12/2018, Bộ Nội vụ có Công văn số 5954/BNV-TCBC của Bộ Nội vụ gửi UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW.
Công văn nêu rõ, để sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, một số vấn đề về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/08/2018 của Bộ chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Các bản dự thảo Nghị định được trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến một số nội dung liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương, làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền ở địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ ngày 3/12/2018, trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 Nghị định nêu trên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Mai Thùy