GiadinhNet – Là đất nước đông dân đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 ở khu vực Đông Nam châu Á, trung bình mỗi năm Việt Nam có hàng triệu trẻ em được sinh ra trong đó tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ vẫn còn chiếm một tỷ lệ đáng kể. Số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền và có xu hướng gia tăng, việc chữa trị các dị tật bẩm sinh và bệnh di truyền rất tốn kém và thường không thể điều trị triệt để.
Cán bộ y tế lấy mẫu máu gót chân cho trẻ. Ảnh: TL
Đề án ý nghĩa và mang tính nhân văn cao
Người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc bị bệnh di truyền bị thiệt thòi do giảm hoặc mất sức lao động, chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng kém. Nếu không tích cực dự phòng và điều trị sớm thì tỷ lệ dị dạng, dị tật bẩm sinh có khả năng tiếp tục tăng cao và đang tạo nên một gánh nặng to lớn và để lại hậu quả nặng nề cho từng gia đình và cộng đồng, xã hội.
Vấn đề chất lượng dân số đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn hướng tới và đặc biệt quan tâm sớm, điều này đã được thể hiện rõ tại các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và qua những mục tiêu được đề ra từ năm 2001 đến 2020 qua Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Năm 2016, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế, bước đầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, trong đó nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2006, Bộ Y tế đã triển khai Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua xây dựng và mở rộng hệ thống sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trong khuôn khổ chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Đề án được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2007 trên địa bàn của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ TPHCM được lựa chọn là Trung tâm Sàng lọc khu vực phía Bắc và phía Nam; Năm 2009, mở rộng thêm 8 tỉnh và thành lập Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Trường ĐH Y Dược Huế để chỉ đạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2013, Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ thực hiện chương trình. Đến năm 2018, Đề án đã được triển khai mở rộng tại 9.559 xã, 634 huyện) thuộc 63 tỉnh, thành phố.
Sau những năm thực hiện Chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại các tỉnh/thành phố cho thấy việc triển khai và thực hiện Đề án rất có ý nghĩa và mang tính nhân văn cao, đó là: Phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hoá, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tiến tới mở rộng phạm vi các loại bệnh, tăng cơ hội tiếp cận cho người dân
Năm 2018 có thể nói là một năm thành công với ngành Dân số, với sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị các mô hình, đề án về lĩnh vực cơ cấu và chất lượng dân số đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các Ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số cụ thể là Chương trình Tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, góp phần đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2018.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án đã triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền vận động, tư vấn cho cộng đồng về lợi ích, ý nghĩa của chương trình; tạo được nhu cầu và chuyển đổi hành vi đối với nhân dân địa phương trong việc tiếp cận và tham gia các dịch vụ về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đồng thời thiết lập mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ Trung ương đến tuyến xã.
Các Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực được tăng cường về năng lực, bao gồm cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Chương trình Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và tăng tỷ lệ trẻ em được can thiệp điều trị sớm các bệnh, tật bẩm sinh.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ: “Công tác dân số phải chú trọng toàn diện… đặc biệt là chất lượng dân số” và “Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh”. Đặt mục tiêu đến năm 2030 có 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Do vậy, trong thời gian tới, Chương trình SLTS và SLSS sẽ tiến tới mở rộng phạm vi các loại bệnh được đưa vào danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế để tăng cơ hội tiếp cận cho người dân. Đồng thời, người dân cần nhận thức rằng, việc thực hiện SLTS và SLSS không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, giống nòi; giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt và các chỉ số sức khỏe trẻ em giữa các vùng miền, Chương trình Tầm soát chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức và tư vấn về tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; phát triển mạng lưới tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; xây dựng các văn bản hướng dẫn chuyên môn về tầm soát trước sinh và sơ sinh.
Việc thực hiện Chương trình Tầm soát, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược Dân số – Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hệ thống chăm sóc sức khỏe nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được thiết lập, xã hội hóa quy trình tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Giảm số lượng trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ bị dị tật, dị dạng, qua đó giảm thiểu số người tàn tật tại địa phương, giảm gánh nặng về chi phí và xã hội để chăm sóc người dị tật, tàn tật. Chương trình cũng mang giá trị nhân văn rất lớn khi việc phát hiện sớm dị tật có thể giúp nhiều đứa trẻ thoát khỏi bị dị tật suốt đời giúp hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Về kết quả thực hiện chỉ tiêu các hoạt động tầm soát sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2018 theo báo cáo kết quả thực hiện của Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố toàn quốc như sau. Sàng lọc trước sinh: Số bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh năm 2018 là 760.193 người, đạt tỷ lệ 54.37% bà mẹ mang thai (đạt 135% kế hoạch), trong đó chương trình mục tiêu hỗ trợ là 42.573 người, chiếm 5,6% tổng số bà mẹ mang thai được sàng lọc. Sàng lọc sơ sinh: Số trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh năm 2018 là 476.384, đạt tỷ lệ 38,5% trẻ sinh ra (đạt 64,21% kế hoạch), trong đó chương trình mục tiêu hỗ trợ là 113.498 trẻ, chiếm 23,82% tổng số trẻ được sàng lọc. Trong đó, nổi lên một số tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu giao năm 2018 như: Long An, TPHCM, Đà Nẵng, Bến Tre, Tiền Giang.
Mặc dù đã đạt một số kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp những khó khăn: Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã triển khai sàng lọc từ 30-50 bệnh. Thế nhưng, chương trình sàng lọc tại Việt Nam mới chỉ triển khai rộng rãi và miễn phí với 2 bệnh là suy giáp trạng bẩm sinh và thiếu men G6PD. Còn tại một số bệnh viện sàng lọc thêm các bệnh khác, như bệnh tim, khiếm thính, rối loạn chuyển hóa, tan máu bẩm sinh… nhưng người dân phải tự chi trả.
Ngoài ra còn một số khó khăn về: Truyền thông vận động, triển khai các kỹ thuật, công tác đào tạo, tập huấn; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi và điều trị đối tượng sau sàng lọc hay khó khăn trong cơ chế quản lý, phối hợp.
GiadinhNet – Trong suốt quá trình mang thai, hai bà mẹ ở bản Bàng (xã Châu Lý, huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An) chỉ đi khám thai, siêu âm một lần. Sự chủ quan của hai bà mẹ khiến họ luôn ân hận khi những đứa bé được sinh ra không bình thường. Cuộc sống của họ vốn vất vả nay lại càng khốn khó.
Minh Trang