GiadinhNet – Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở TP.HCM ngại sinh con bởi việc sinh ra một đứa trẻ, rồi nuôi dạy chúng đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, thuốc men, vui chơi giải trí…
Người trẻ ngại sinh con
Con gái đầu đã 9 tuổi nhưng chị Trần Phương Thảo (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) quyết định không sinh thêm con thứ hai bởi áp lực kinh tế. Chồng chị là phóng viên một tờ báo, còn chị làm nhân viên hành chính cho một công ty cung cấp thiết bị nội thất.
Điều kiện kinh tế eo hẹp, hai vợ chồng chị Thảo lại vừa quyết định mua lại một căn hộ nhà ở xã hội của người quen, hàng tháng phải trả ngân hàng 4,7 triệu. Do vậy nếu sinh thêm con, chị Thảo sợ “gánh” không nổi.
“Giờ mới có một cô con gái mà tháng nào tôi cũng phải lo đến hạn đóng tiền ngân hàng rồi tiền học hàng tháng cho con. Đấy là chưa kể tiền học thêm múa, piano, rồi lại lo Tết đến về quê, biếu nội ngoại hai bên. Bước ra khỏi nhà là mất tiền rồi nên nếu sinh thêm một đứa nữa thì làm sao đủ sống”, chị Thảo chia sẻ.
Còn với vợ chồng anh Trần Lê (ngụ ở phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức), áp lực không chỉ là đủ sống mà là chất lượng sống. Hai vợ chồng anh Lê có chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch từ nhà vườn Đà Lạt, thu nhập của hai vợ chồng sau khi trừ các khoản chi phí mặt bằng, thuê nhân công, tiền dư mỗi tháng hàng trăm triệu. Tuy nhiên, bao nhiêu tiền bạc làm ra, vợ chồng anh Lê dành để đầu tư hết cho con gái học trường quốc tế và cả nhà thường xuyên đi du lịch, nghỉ dưỡng.
“Tôi có con khá vất vả vì phải làm thụ tinh ống nghiệm rồi sinh non, chăm sóc rất cực. Thế nên tôi quyết định chỉ sinh một con, nuôi dưỡng tốt, chăm sóc tốt còn hơn là chia cái tốt nhất đó cho 2 đứa, mỗi đứa chỉ được hưởng một nửa. Việc sinh thêm con thứ hai là điều mà tôi lưỡng lự bao năm và cuối cùng quyết định dừng”, chị Dương (vợ anh Lê) cho hay.
Thực tế cho thấy ở TP.HCM, bên cạnh lý do phụ nữ sinh con ít vì phải làm nhiều thì việc sinh ra một đứa trẻ, rồi nuôi dạy chúng đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, thuốc men, vui chơi giải trí… khiến cho nhiều người ngại sinh con.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho những người trẻ trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt… khiến họ có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn và hạn chế sinh.
Bên cạnh đó, độ tuổi kết hôn muộn dẫn đến mức sinh thấp ở độ tuổi 20-25 và tập trung nhiều ở độ tuổi từ 25-34, khi các cặp vợ chồng đã ổn định về công việc và có xu hướng đầu tư chuyên môn cao cho công việc. Đây cũng là một trong những giả thuyết dẫn đến xu hướng các cặp vợ chồng này lựa chọn chỉ sinh một con. Điều này là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức sinh của TP.HCM.
Bài toán thiếu hụt dân số do mức sinh thấp nghiêm trọng
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2019/QĐ-BYT (Quyết định 2019) ngày 27/4/2021 về danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh thấp, mức sinh cao và mức sinh thay thế.
Theo danh sách trên, TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Trong danh sách 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp được Bộ Y tế công bố gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Giadinh.net.vn, ông Phạm Chánh Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cho biết, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây, tổng tỉ suất sinh của TP.HCM là 1,39 con, đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con.
Thực tế cho thấy, TP.HCM là đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến năm 2009, TP.HCM đã chuyển từ mô hình “sinh sớm” sang mô hình “sinh muộn”.
Số liệu từ năm 2000 đến năm 2019 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000 là 1,76 con thì đến năm 2018 giảm xuống là 1,33 con.
Theo ông Phạm Chánh Trung, căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai, tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể là ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…
“Mức sinh thấp đưa đến nhiều thách thức cho sự phát triển của thành phố. Đầu tiên, TP.HCM cần phải tìm kiếm một lực lượng dân số bù vào lượng dân số thiếu hụt để thực hiện tái sản xuất dân số, đảm bảo sự phát triển mọi mặt về đời sống kinh tế – xã hội. Tương lai TP.HCM sẽ đối diện về vấn đề giải quyết bài toán thiếu hụt dân số rất nghiêm trọng” – ông Trung cho hay.
Kế đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh con sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của thành phố. Trong khi nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.
“Hiện nay tổng tỉ suất sinh của TP.HCM chỉ là 1,39 con, đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Nó dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Sở Y tế Thành phố đang tập hợp các ý kiến của Sở, ngành để trình cho UBND Thành phố cũng như Tổng cục Dân số để đề xuất một số giải pháp làm sao giải quyết được mức sinh thấp của thành phố” – ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.