Bộ Y tế đề nghị các địa phương lấy mẫu tất cả trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca viêm gan bí ẩn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chiều 9/5 cho biết thông tin trên và giải thích động thái này nhằm nâng mức chủ động phòng bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang lan hơn 20 quốc gia. Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm hoặc ca nghi mắc viêm gan cấp tính ở trẻ, tính tới ngày 8/5. Tuy nhiên, trên thế giới số bệnh nhân đã lên gần 300 chỉ trong vòng một tháng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Những trường hợp nghi mắc viêm gan cấp không rõ nguyên nhân cần phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định căn nguyên”, theo công văn Bộ Y tế gửi các địa phương cùng ngày. Nếu phát hiện trường hợp bất thường, ngành y tế địa phương báo cáo ngay cho Cục Y tế dự phòng.
Để phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ đủ tuổi, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Các địa phương cần tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm ca nhiễm virus viêm gan, điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần Bộ Y tế cảnh báo về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Hồi giữa tuần trước, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát ca viêm gan không rõ nguyên nhân. Lần này Bộ đề nghị lấy mẫu xét nghiệm trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân, tức nâng một mức giám sát.
Bệnh viêm gan bí ẩn được ghi nhận lần đầu ở Anh và Scotland vào đầu tháng 4, với khoảng 70 trẻ từ một tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh sau đó lan rộng hơn 20 nước với gần 300 ca, trong đó một số trẻ phải ghép gan, tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ và châu Âu. Châu Á ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4. Ba em bé ở Indonesia đã tử vong do viêm gan cấp tính.
Nguyên nhân gây bệnh chưa được tìm ra. Các nhà khoa học phỏng đoán adenovirus 41 – loại virus cảm lạnh, là một trong những nguyên nhân gây bệnh do bệnh nhân thường tập trung ở những nơi có mật độ virus adeno cao. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) hôm 7/4 công bố báo cáo cho thấy khoảng 70% trẻ mắc viêm gan bí ẩn sống trong gia đình nuôi chó hoặc từng tiếp xúc với chó, nghi ngờ bệnh liên quan tới vật nuôi này.
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của adenovirus. Ảnh: Science Source