‘TP HCM sẽ đồng hành bảo vệ lực lượng y tế’

0
200

Phó chủ tịch TP HCM Dương Anh Đức chia sẻ với những hy sinh của các bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời khẳng định thành phố sẽ chiến đấu, bảo vệ vượt qua những vướng mắc đang phải đối mặt.

Bệnh viện không mua được dược phẩm, vật tư y tế; bệnh nhân phải đi lòng vòng tìm nơi điều trị; thanh, kiểm tra liên tiếp khiến nhân viên y tế có tâm lý “làm ít, sai ít”; y bác sĩ rời bỏ bệnh viện công… là vấn đề cấp thiết hệ thống y tế cần sự chữa lành của cơ chế.

TP HCM, đô thị hơn 10 triệu dân, phòng tuyến cuối cùng của hệ thống y tế phía Nam, đang gồng mình xoay xở để giữ chân đội ngũ, tìm giải pháp khắc phục những lỗ hổng. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức (phụ trách lĩnh vực y tế) chia sẻ với VnExpress về sự thấu cảm trước những gian truân mà các y bác sĩ đang phải đối mặt, và giải pháp để đồng hành cùng đội ngũ này.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức trả lời VnExpress. Ảnh: Thanh Tùng

– Đồng hành với ngành y thành phố cả thời dịch và thời bình, ông đánh giá thế nào về vai trò của các y bác sĩ thời gian qua?

– Ba năm qua hết sức khó khăn, nhưng cũng thể hiện rõ phẩm chất tốt đẹp của đội ngũ y tế trên cả nước và tại TP HCM. Một mặt, họ phải chịu áp lực rất lớn của đại dịch Covid-19, mặt khác làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người dân trong điều kiện hết sức thiếu thốn.

Khối lượng công việc tăng lên rất nhiều lần, y bác sĩ phải túc trực trong bệnh viện nhiều tháng, không thể về với gia đình. Thế nhưng, họ không nề hà hy sinh quyền lợi riêng, thậm chí sức khỏe, để cùng thành phố chiến đấu vượt qua dịch bệnh, hầu như không một lời than vãn. Đa số người dân thành phố rất biết ơn sự nỗ lực này của đội ngũ y tế.

– Trong nhiều cuộc họp, đại biểu Quốc hội chia sẻ tâm tư, nỗi sợ bị thanh, kiểm tra của đội ngũ y tế. Bởi có nhiều quyết định khẩn cấp mang tính “vượt rào” đã được đưa ra trong thời điểm bùng dịch, nhưng đến thời bình có thể bị cho là có động cơ vụ lợi. Ông nghĩ gì về thực tế này?

– Chắc chắn là có nhiều người tâm tư. Thực tế, tình trạng này không chỉ diễn ra ở TP HCM mà cả nhiều tỉnh thành. Trong giai đoạn khó khăn nhất, nhân viên y tế cũng như các lực lượng khác căng mình chống dịch. Ai cũng vì cái chung mà quên đi bản thân.

Nhưng khi tình hình ổn định, chắc chắn họ sẽ có những phút chùng xuống sau thời gian dài quá sức, tâm tư về những khó khăn, hy sinh mà mình trải qua. Một số y bác sĩ xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực, hoặc tìm được những công việc tốt hơn. Lãnh đạo thành phố rất chia sẻ và thông cảm.

– Thành phố làm gì để động viên các y bác sĩ khi nghe những tâm tư này?

– Tôi cho rằng cách động viên cần thiết nhất là thành phố đồng hành và cùng “chiến đấu” để bảo vệ lẽ phải, cũng là ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của họ. Đó là cũng cách chúng tôi đang làm.

Đương nhiên, người nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng một sự việc không nên được xem xét riêng lẻ, mà cần đặt vào đúng ngữ cảnh của nó. Trong hoàn cảnh đại dịch, nhiều người chỉ nghĩ làm sao cứu bệnh nhân nên một số việc không làm theo quy chuẩn thông thường thì không thể coi là sai phạm. Tinh thần đó chắc chắn phải được bảo vệ.

Lãnh đạo thành phố, từ người cao nhất là Bí thư Thành ủy, thống nhất quan điểm bảo vệ những người làm đúng, làm tốt, theo lẽ phải. Miễn sao xác định được việc làm của họ là vì dân, vì nước thì sẽ bảo vệ.

Chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm và đang rất tích cực xây dựng cơ chế, tạo điều kiện tốt hơn để họ ở lại với hệ thống. Thành phố đặt mục tiêu cố gắng làm sao giữ và bồi dưỡng cho đội ngũ này ngày một mạnh hơn.

– Tiếp xúc nhiều với bác sĩ nước ngoài, theo ông đâu là điểm đặc biệt ở đội ngũ y tế tại Việt Nam nói chung, và TP HCM nói riêng?

– Tôi tự tin khẳng định rằng y bác sĩ của chúng ta rất tài hoa và sáng tạo. Tôi nhiều lần kinh ngạc với năng lực, tố chất của họ. Trong điều kiện cơ sở vật chất thua kém nhiều nước tiên tiến, họ có thể xoay xở, tìm cách thực hiện được những ca phẫu thuật rất phức tạp. Kỹ thuật không thua kém, thậm chí hơn những nước tiên tiến. Nhiều y bác sĩ khu vực lân cận còn đến thành phố học hỏi, hoặc mời bác sĩ Việt sang điều trị.

Gần đây, thành phố khen thưởng đột xuất cho tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì cứu chữa thành công bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp, tỷ lệ tử vong khá cao. Nhờ ứng dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cùng sự phối hợp kịp thời, chính xác của ê-kíp đã cứu sống được người bệnh. Trước đó cũng có một em bé chỉ 7 ngày tuổi nguy kịch, mạch máu còn quá nhỏ bé, mỏng manh, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO mà cứu được.

Trên thế giới không mấy nơi làm được, nhưng chúng ta đã thành công. Nhiều chuyên gia quốc tế phải công nhận trình độ y tế của Việt Nam vượt trước tốc độ phát triển kinh tế.

– Bên cạnh khen thưởng, chiến lược dài hơi nào của TP HCM nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ y tế, cũng như giữ chân họ ở lại với hệ thống?

– Khen thưởng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, thành phố sẽ xây dựng một cơ chế phù hợp để các y bác sĩ cống hiến, có điều kiện phát huy hết tài năng. Đó không chỉ là chính sách về thu nhập, mà còn là điều kiện học tập, nâng cao tay nghề. Đây là vốn quý để thành phố có thể thực hiện mục tiêu sớm trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao của Đông Nam Á.

Chúng tôi nỗ lực hết sức để tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho các y bác sĩ. Những việc nằm trong quyền hạn, thành phố sẽ chủ động làm ngay, không đợi. Còn việc vượt quá thẩm quyền, lãnh đạo thành phố sẽ có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh, thực hiện sớm.

Hiện, Sở Y tế đã được giao xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ, cũng như nguồn lực của thành phố.

Máy móc được đầu tư mới, hiện đại tại Khu điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nguyễn Trãi. Ảnh: Mỹ Ý

– TP HCM đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm sức khỏe của Đông Nam Á, ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện được thì yếu tố con người rất quan trọng, thành phố có các giải pháp nào để xây dựng một thế hệ nhân lực y tế chất lượng cao?

– Thời gian qua, chúng tôi đầu tư xây dựng nhiều trung tâm y tế chất lượng cao. Đây là cơ sở vật chất cần thiết để y bác sĩ phát triển những kỹ thuật khó nhất trong ngành, giúp cứu chữa những trường hợp nan y. Tháng hai này, thành phố đã khánh thành loạt công trình gồm: Trung tâm chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện 115, Trung tâm điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nguyễn Trãi, hoạt động toàn bộ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

Ngoài ra, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở khu y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) cũng đã được khởi công. Đây là chủ trương xây dựng mô hình trường – viện để kết nối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với cung ứng dịch vụ y tế nâng cao.

Cùng với cụm các bệnh viện chuyên ngành và đa ngành trong khu vực, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho sinh viên y khoa của thành phố có một môi trường học tập và nghiên cứu rất tốt. Ở các nền y học tiên tiến trên thế giới, mô hình trường – viện gần như được xem là xuất sắc nhất. Đó cũng là cái mới của TP HCM, nhằm tạo một hệ thống xuyên suốt về đào tạo và sử dụng nhân lực.

Tôi tin rằng các công trình này phần nào truyền cảm hứng cho ngành y tế. Người dân thành phố cũng như khu vực phía Nam sẽ được hưởng lợi khi điều trị tại các bệnh viện ngay ở TP HCM mà chất lượng không hề thua kém quốc tế.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi muốn thể hiện sự cảm kích, tri ân đến những nỗ lực quên mình của đội ngũ y bác sĩ. Họ thật sự xứng đáng được tôn vinh, tôn trọng và bảo vệ. Tôi mong muốn các y bác sĩ kiên trì cùng góp sức sớm xây dựng thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực, cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho người dân. Lãnh đạo thành phố sẽ luôn luôn đồng hành, chia sẻ với lực lượng y tế, cũng như tìm mọi cách tạo điều kiện tốt nhất cho các y bác sĩ phát huy khả năng của mình.

Thông tin chi tiết xem tại đây.