Trẻ sơ sinh có cần đo thính lực?
Con tôi 8 tháng tuổi, tôi cảm thấy lo lắng là con chưa bắt chước và phát âm được những câu từ đơn giản, ngủ cũng ít giật mình.
Kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh là rất cần thiết – Ảnh: Internet
Con cũng ít phản ứng khi nghe tiếng âm thanh, tiếng gọi của ba mẹ… Đem chia sẻ với nhiều bạn bè, người thân, họ nói chắc do con còn bé, chậm biết nói chứ thấy bình thường mà! Xin bác sĩ cho hỏi tôi có nên đi khám bệnh cho con không và khám ở đâu?
Nguyễn Thị Như Loan (quận Cái Răng, Cần Thơ)
Bác sĩ Phạm Thành Công – chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – trả lời:
Trước hết xin chia sẻ với những lo lắng của chị về tình trạng của bé. Nhìn bề ngoài của trẻ, hầu như chúng ta sẽ không thể nào biết được trẻ có bị khiếm thính hay bị một bệnh lý nào đó khiến việc chậm phát triển ngôn ngữ hay không. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có một hoặc một số dấu hiệu nghi ngờ, thì cha mẹ cần phải lưu ý đưa trẻ đi khám sớm.
Thông thường giai đoạn sớm dưới 6 tháng tuổi tuy khó phát hiện, nhưng khi thấy trẻ không giật mình với những tiếng động lớn trong lúc ngủ hoặc thức, hoặc ở giai đoạn trên 6 tháng tuổi, trẻ không quay đầu tìm tiếng động, khi ta cố tình gây tiếng động lớn trẻ vẫn không giật mình, thì cần cho trẻ đi khám bác sĩ tai mũi họng ngay.
Lúc này ngoài khám thông thường, cần kiểm tra thính lực cho trẻ sơ sinh để có thể sớm phát hiện tình trạng khiếm thính nếu có.
Các giai đoạn phát triển về âm thanh, ngôn ngữ ở trẻ sơ sinh:
Thông thường từ lúc sinh đến 3 tháng tuổi, trẻ có thể giật mình hoặc khóc khi nghe tiếng động lớn, trẻ có vẻ đang lắng nghe tiếng nói, phát ra âm thanh.
Từ 3 – 6 tháng tuổi, trẻ thức dậy khi nghe tiếng động thình lình, nhận ra tiếng nói quen thuộc, thích lục lạc hoặc các đồ chơi khác phát ra tiếng, dõi mắt theo âm thanh, bắt đầu bi bô.
Từ 6 – 9 tháng tuổi, trẻ biết quay đầu về phía có âm thanh, bắt đầu bắt chước các âm thanh tiếng nói, trẻ bập bẹ các âm thanh khác nhau “ba, ba”… có đáp ứng khi nghe gọi tên.
Từ 9 – 12 tháng, trẻ lặp lại những từ ngữ và âm thanh đơn giản, phản ứng trước tiếng hát hoặc tiếng nhạc, gọi đúng từ “mẹ” hoặc “ba”.
Khi trẻ lớn, một số dấu hiệu nghi ngờ trẻ khiếm thính: Trẻ không nhận biết hoặc khó nhận biết âm thanh từ đâu vọng đến; nói quá nhỏ hoặc quá lớn tiếng; mở tivi hoặc vặn máy nghe nhạc quá lớn; thể hiện những khó khăn trong giao tiếp hoặc trong học tập.
Các dấu hiệu này không nhất thiết là trẻ bị khiếm thính, nhưng ba mẹ nên đưa con đi khám để được bác sĩ chỉ định các biện pháp tầm soát cần thiết.
Có phải tất cả trẻ em cần sàng lọc thính lực?
Để đảm bảo loại trừ các nguy cơ cho trẻ, tất cả trẻ em sinh ra đều cần được chỉ định sàng lọc thính lực tùy thời điểm. Đặc biệt với trẻ sinh non nên thực hiện sàng lọc khiếm thính sau khi trẻ ổn định được 34 tuần tuổi. Riêng với những trẻ đang điều trị tại các khoa sơ sinh bệnh viện, nên tiến hành sàng lọc khi trẻ chuẩn bị được xuất viện.
Nguyên nhân gây khiếm thính ở trẻ em
Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1 – 3 trẻ bị khiếm thính bẩm sinh. Theo đó, yếu tố di truyền do di truyền từ bố mẹ hoặc đột biến gene. Theo nghiên cứu, khiếm thính có thể được di truyền từ các thế hệ trước đó trong gia đình.
Do yếu tố không di truyền: Trong quá trình thai kỳ, người mẹ bị nhiễm vi rút hoặc sinh con không đủ tháng, bị nhiễm độc thai nghén, ngộ độc thuốc… cũng sẽ là một trong những nguyên nhân gây khiếm thính ở trẻ. Một nguyên nhân khác còn có thể do chấn thương, các bệnh lý tai mũi họng khác không được điều trị gây điếc ở trẻ nhỏ…
Khiếm thính có thể dẫn tới hậu quả nặng nề là câm điếc, một dạng tàn tật suốt đời, vì trẻ không có ngôn ngữ nên không thể giao tiếp. Do đó, chẩn đoán và điều trị phục hồi chức năng nghe sớm cho trẻ là việc thực sự cần thiết.
Khiếm thính có thể điều trị được không?
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, tuy nhiên các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám và sàng lọc thính lực càng sớm càng tốt, khả năng điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Thông thường với trẻ nghe kém bẩm sinh có ngưỡng nghe nhỏ hơn 80 dB có thể đeo máy trợ thính.
Với trẻ điếc bẩm sinh (ngưỡng nghe lớn hơn 90 dB) thì việc sử dụng cấy ốc tai điện tử là biện pháp duy nhất. Sau khi cấy ốc tai điện tử, trẻ phải theo học phục hồi ngôn ngữ trong thời gian 2 – 3 năm.
Thông tin chi tiết xem tại đây.
Các tin khác
- Bộ Y tế phát động cuộc thi dành cho cán bộ dân số trên cả nước
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM
- Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt những người liên quan ổ dịch bệnh than
- Cơn đột quỵ xảy ra như thế nào
- Công đoàn Ngành Y tế hưởng ứng các hoạt động tháng Công nhân năm 2023
- Phần lớn người dân gặp vấn đề về sức khỏe tiêu hóa
- Cách phòng nhiễm độc botulinum
- HỘI NGHỊ HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT CÁC CHUYÊN ĐỀ VỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH NĂM 2023
- 12 khoản tiền của người lao động sẽ tăng khi tăng lương cơ sở
- Sẽ có Nghị định về tăng lương cơ sở