LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ MỨC SINH THAY THẾ, TRÁNH MỨC SINH ‘TỤT’ THẤP Ở NHIỀU NƠI?

0
80

Theo các nhà nhân khẩu học, mức sinh thấp dẫn đến nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động và già hóa dân số quá nhanh. Đáng chú ý, khi mức sinh đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại được mức thay thế.

Mức sinh có sự chênh lệch giữa các vùng, nhiều nơi có xu hướng xuống thấp

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế thành công, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì từ đó đến nay.

Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong đó, mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mức sinh thay thế ở Việt Nam chưa thực sự bền vững.

Các nhà nhân khẩu học nhận định, mức sinh là một trong những chỉ báo nhân khẩu học quan trọng không chỉ góp phần quyết định quy mô và cơ cấu dân số mà còn phản ánh mức độ phát triển kinh tế xã hội của quốc gia đó. Mức sinh cao hay thấp đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững.

Mức sinh cao dẫn đến quá tải dân số, trong khi mức sinh thấp dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động và già hóa dân số quá nhanh. Hệ lụy sẽ càng nghiêm trọng nếu xảy ra ở các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp, năng xuất lao động chưa cao.

Vì vậy, vấn đề chênh lệch mức sinh và xu hướng mức sinh xuống thấp ở nhiều nơi là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và Gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương” do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức mới đây.

Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, tính đến tháng 12-2023, thế giới có 42 nước thu nhập cao. Các nước này có quy luật chung là càng giàu, GDP/người càng tăng thì tổng tỉ suất sinh càng giảm.

Trong đó, 38/42 nước có tổng tỉ suất sinh dưới 2,0 vào năm 2023, 4 nước còn lại có tổng tỉ suất sinh lớn hơn 2,0, song tổng tỉ suất sinh đều giảm dần liên tục, năm sau thấp hơn năm trước.

Do đó, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.

Đưa “duy trì mức sinh thay thế” là chính sách quan trọng trong dự án Luật Dân số

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách của đề nghị xây dựng Luật Dân số.

Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện nay là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới“, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày bài tham luận về các biện pháp giúp duy trì mức sinh thay thế tại Hội thảo.

Trong đó, chính sách đầu tiên trong dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất là “duy trì mức sinh thay thế”. Mục tiêu đặt ra là xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.

Quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hoá dân số; gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, tại Việt Nam, các nghiên cứu, điều tra trong nước cho thấy, tuổi kết hôn tăng, giảm tỷ lệ kết hôn. Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.

Nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.

Ông Lê Thanh Dũng cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỷ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.

Đề cập đến hệ lụy của mức sinh thấp, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cảnh báo, khi mức sinh đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Theo đó, trong giai đoạn 2000 – 2015, thế giới có 32 quốc gia có tổng tỉ suất sinh (TFR) gia tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, qua các nghiên cứu và khảo sát cho thấy, mong muốn có 2 con đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thể hiện rõ nhất ở những vùng, tỉnh/thành có mức sinh thấp.

Chi phí và mất mát cho sinh đẻ và nuôi dạy đủ 2 con dần gia tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình trong bối cảnh nhu cầu nâng cao mức sống cũng như giá trị cá nhân ngày càng được chú trọng.

Không ít gia đình muốn có 2 con nhưng không có ý định sinh đủ 2 con hoặc không thể hiện thực hóa được mong muốn đó. Như vậy, khó có thể coi mức sinh thay thế ở Việt Nam đã được duy trì vững chắc. Bên cạnh đó, kết hôn muộn hay vô sinh hiếm muộn cũng đang là những yếu tố cản trở đáng kể việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở Việt Nam“, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cho hay.

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sinh đủ 2 con

Theo Viện trưởng Viện Xã hội học, nếu không có chính sách khuyến sinh kịp thời và phù hợp, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn mức sinh sẽ giảm sâu dưới mức thay thế và quy mô gia đình dưới 2 con sẽ trở nên phổ biến, chuẩn mực gia đình 2 con sẽ dần thay thế bằng mô hình gia đình 1 con hoặc không con.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đi trước cho thấy, những chính sách can thiệp để nâng mức sinh lên sẽ cần nhiều nguồn lực, nhưng rất khó đem lại hiệu quả.

Chiến lược cơ bản để duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở Việt Nam là đưa mức sinh các nhóm dân số (hay tỉnh/thành) tiệm cận mức thay thế, đưa quy mô gia đình 2 con trở thành chuẩn mực phổ biến toàn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để người dân hiện thực hóa mong muốn có đủ 2 con.

Để làm được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, cần đẩy mạnh truyền thông vận động về quy mô gia đình 2 con đến mọi địa bàn và nhóm xã hội, cả ở nơi đang có mức sinh cao, mức sinh thấp hay mức sinh thay thế. Mọi công dân đều nên hiểu rõ chính sách sinh đẻ của nhà nước với khẩu hiệu “mỗi gia đình nên có 2 con”. Công tác truyền thông, giáo dục cũng cần chú trọng củng cố và phát huy những giá trị gia đình phù hợp với xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng giảm tử vong trẻ em, nâng cao bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng nhu cầu tránh thai không được đáp ứng cũng như có thai và sinh con ngoài ý muốn, nhất là ở những nơi có mức sinh còn cao; tạo môi trường thân thiện và thuận lợi cho kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp.

Ở những nơi có mức sinh thấp, các chính sách phúc lợi xã hội hỗ trợ chỉ một phần chi phí cho người sinh đẻ và nuôi con nhỏ mang tính khuyến khích cũng sẽ có hiệu quả nhất định khi mà đa số người dân vẫn muốn có 2 con.

Và đặc biệt, theo Viện trưởng Viện Xã hội học, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế và các quan điểm, giải pháp cơ bản cần được thể chế hóa và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật (như Luật Dân số) và lồng ghép vào các chiến lược, chương trình của chính phủ và các ban ngành.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Thông tin chi tiết xem tại đây