I. BỆNH LÂY QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC (BLQĐTD) LÀ GÌ?
Bệnh lây qua đường tình dục là bệnh lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác do quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn với người có bệnh.
II. CÓ BAO NHIÊU BLQĐTD?
1- Trên thế giới, hiện có khoảng 20 BLQĐT
2- Ở Việt Nam thường gặp các bệnh sau: Lậu, giang mai, chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm gan siêu vi B,HIV/AIDS.
III. BLQĐTD CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG?
1- Có bệnh chữa trị được như: lậu, giang mai, chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo
2- Có bệnh không trị được hoặc trị không khỏi hẳn như:
– HIV/AIDS.
– Viêm gan siêu vi B.
– Mụn rộp sinh dục.
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA BLQĐTD:
1. BLQĐTD trong nhiều trường hợp là bệnh tiềm ẩn, phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới nhưng khó phát hiện hơn, do đó rất nguy hiểm vì:
• Không biết mắc bệnh khi nào nên không đi khám bệnh
• Không biết để phòng ngừa cho người khác nên dễ lây lan ra cộng đồng
2. Người bệnh thường có tâm lý e ngại, tự ti mặc cảm, muốn che giấu, khi có dấu hiệu bệnh không muốn đi khám mà tự đi mua thuốc uống nên bệnh không hết hẳn.
3. Các bệnh chữa trị được ngày càng ít đi trong khi các bệnh khó trị hoặc không trị khỏi ngày càng nhiều hơn.
V. AI LÀ NGƯỜI DỄ MẮC BLQĐTD NHẤT?
1- Bất cứ ai có QHTD bừa bãi, không an toàn
2- Người có nhiều bạn tình, khách làng chơi
3- Người hành nghề mại dâm
4- Người sử dụng ma túy, đặc biệt là thuốc lắc (Ectasy)
5- Vị thành niên và thanh niên trẻ từ 15 đến 25 tuổi
6. Phụ nữ dễ mắc BLQĐTD hơn nam giới
VI. MẦM BỆNH Ở ĐÂU VÀ LÂY TRUYỀN BẰNG CÁCH NÀO?:
1. Mầm bệnh cư trú ở:
· Chất nhờn sinh dục
· Các vết sưng, vết loét
· Trong máu
2. Lây truyền qua:
· Các vết trầy xước trong khi QHTD (giang mai, hạ cam mềm)
· Vi trùng bám dính vào niêm mạc sinh dục (lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm)
VII. MỘT SỐ BLQĐTD THƯỜNG GẶP Ở VIỆT NAM:
1. Lậu: do vi khuẩn lậu cầu gây ra
• 70% tiềm ẩn ở phụ nữ
• Ở bộ phận sinh dục có dấu hiệu;
+ Tiểu mủ ở nam, nóng rát, ngứa đầu dương vật
+ Huyết trắng ở nữ, đau chảy máu khi giao hợp
• Nếu QHTD bằng đường miệng có thể gây viêm họng do lậu cầu
• Nếu QHTD qua đường hậu môn sẽ gây đau, tiết dịch ở hậu môn
• Bệnh lậu ở nam có thể đưa đến viêm mào tinh hoàn gây vô sinh
• Bệnh lậu cấp tính ở nữ có thể tổn thương mắt, da, khớp, viêm quanh gan
• Bệnh lậu lâu dài ở nữ có thể gây vô sinh, thai ngoài tử cung, đau bụng dưới mãn tính
• Trẻ sinh ra mù lòa nếu mẹ mang thai bị lậu không điều trị.
2. Chlamydia: do vi khuẩn Chlamydia gây ra, biểu hiện giống như lậu,
Trong rất nhiều trường hợp, không có biểu hiện gì ở cả nam lẫn nữ, chỉ có xét nghiệm mới tìm ra bệnh
3. Giang mai: do vi khuẩn hình xoắn (xoắn khuẩn) gây ra.
Giang mai ở nam
Giang mai ở nữ
* Bệnh diễn biến qua 03 thời kỳ:
• Thời kỳ 1: bắt đầu từ 10 đến 100 ngày sau khi nhiễm bệnh
+ Vết loét: – xuất hiện ở bộ phận sinh dục, không đau
– 30% có trên 1 vết loét
+ Nổi hạch bẹn: không đau
• Thời kỳ 2: bắt đầu 2-4 tháng sau khi nhiễm bệnh
+ Ban đào ở thân mình, lòng bàn tay, lòng bàn chân
+ Hạch nổi toàn thân, không đau
+ U sùi (sẩn ướt) ở hậu môn, sinh dục
· Thời kỳ 3: bắt đầu 5-20 năm sau khi nhiễm bệnh với các tổn thương nội tạng như: thần kinh, xương, da, tim …
* Giang mai có thể tiềm ẩn (không có triệu chứng)
* Giang mai bẩm sinh:
Mẹ bị giang mai không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể truyền sang con (50% trường hợp) gây ra hậu quả:
+ Thai chết lưu
+ Nếu sống, trẻ bị giang mai bẩm sinh với các triệu chứng: viêm mũi, gan lách to, thiếu máu, trọng lượng thai thấp, bất thường về xương
4. Hạ cam mềm: do vi khuẩn hình que gây ra với các triệu chứng:
• Vết loét: ở bộ phận sinh dục, rất đau, 50% có trên 1 vết loét
Hạ cam mềm
• Hạch bẹn sưng to, mưng mủ, rất đau
• 10% bệnh nhân bị nhễm cùng lúc với giang mai hoặc mụn rộp sinh dục
5. Sùi mào gà: do vi-rút HPV.
Sùi mào gà ở nữ Sùi mào gà ở nam
• 01 hoặc nhiều sùi mào gà ở nhiều nơi
• Có thể đưa đến ung thư (âm đạo, cổ tử cung, dương vật, hậu môn)
• Mẹ có thể lây cho con trong lúc sanh
6- Mụn rộp sinh dục:
• Mụn nước có thể tiến triển thành vết loét ở bộ phận sinh dục
• Hạch bẹn sưng to, đau
• Nhiễm bệnh suốt đời, mẹ có thể lây cho con trong lúc sanh
7- Viêm âm đạo do trùng roi: * Huyết trắng nhiều, có bọt, trắng đục hoặc vàng
* Âm đạo và cổ tử cung đỏ, ngứa, đau khi giao hợp
8-Viêm gan siêu vi B:
• Bắt đầu có triệu chứng từ 1,5 tháng – 6 tháng sau khi nhiễm bệnh: mệt mõi, chán ăn, buồn nôn, vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm
• Phần lớn sẽ khỏi bệnh hoàn toàn
• Tuy nhiên:
+ 7% người lớn mang vi-rút suốt đời
+ Nếu trẻ bị mẹ lây hoặc bị bệnh khi còn nhỏ thì trên 90% mang vi-rút suốt đời
VIII. PHÒNG NGỪA BLQTD BẰNG CÁCH NÀO?
1- Vệ sinh kinh nguyệt đúng cách
2- Vệ sinh bộ phận sinh dục: hàng ngày, sau khi đi tiểu và đi cầu, trước và sau khi QHTD
3- Không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành
4- Sống chung thủy với một vợ/một chồng hoặc một bạn tình
5- Sử dụng bao cao su đúng cách khi QHTD
6- Khám chuyên khoa da liễu định kỳ 6 tháng đối với người có nguy cơ cao: gái mại dâm, khách làng chơi, người có nhiều bạn tình …
7- Khi có triệu chứng xuất hiện thì phải ngưng QHTD, đi khám và điều trị bác sĩ chuyên khoa (kể cả khám cho bạn tình) để tránh lây lan cho người khác.
IX. ĐIỀU TRỊ:
• Bệnh nhân phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu tư vấn và điều trị đến nơi đến chốn.
• Khi điều trị BLQĐTD không những chỉ điều trị cho bản thân mình mà còn cần phải điều trị cho người đã lây cho mình và người bị mình lây.
Cần điều trị BLQĐTD tại đâu?
· Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: số 02, Nguyễn Thông, Phường 06, Quận 03, TP. Hồ Chí Minh.
· Khoa Da liễu của 24 Bệnh viện Quận/Huyện.
· Các Bệnh viện tư nhân có khoa Da liễu.