Hội thảo “Giới thiệu Báo cáo phân tích tình hình Giới tại VN”: Còn nhiều thách thức

0
176

Ngày 23/9, tại TP HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo: "Giới thiệu Báo cáo phân tích tình hình Giới tại Việt Nam" nhằm chia sẻ kết quả báo cáo với các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời tạo diễn đàn thảo luận về khả năng hợp tác thúc đẩy nhằm thực hiện các khuyến nghị đã nêu trong báo cáo.

Những tiến bộ đáng kể

Theo ông Daniel Mont, chuyên gia cao cấp của WB: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề giới trong giáo dục, lao động và việc làm. Chênh lệch thu nhập xét theo giới tính ở Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á. Khoảng cách về giới tại cấp giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ, nữ giới đã bắt kịp, thậm chí còn vượt nam giới trong việc đạt được văn bằng đại học, cao đẳng. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm một cách đáng kể. Tỷ lệ tử vong của sản phụ cũng giảm từ 233 ca xuống còn 85 ca tử vong/100.000 ca đẻ thành công trong vòng 15 năm qua.
 

Hạn chế khuynh hướng thiên vị giới để tăng quyền bình đẳng giữa nam – nữ. Tranh minh họa

Bà Lê Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP HCM cho biết: Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM, chỉ số phát triển của nữ ở TP cũng đã có những khích lệ đáng kể: Tuổi thọ của nữ năm 1999: 79,1 trong khi của nam: 71,5, đến năm 2004 tuổi thọ của nữ là 79 trong khi của nam là 73,6. Tỷ lệ nữ nhập học các cấp giáo dục năm 2004: 72,4% (trong khi tỷ lệ của nam là 77,7%).
 
Tỷ lệ số nữ sinh viên trong tổng số sinh viên từ 39,1% năm 1998 cũng tăng lên 50,3% năm 2004. Tỷ lệ lao động nữ có trình độ cao đẳng trở lên từ 9% năm 1998 cũng tăng lên 13,8% năm 2004 (tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng trở lên trong cả nước là 9,3% năm 1998, 13,1% năm 2004). Tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa X (1997 – 2002): 16%; tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XI (2002-2007): 23,1% (tỷ lệ nữ trong Quốc hội cả nước là 27,3%); Tỷ lệ nữ trong Hội đồng nhân dân cấp thành phố (1999 – 2004): 24,7%.
 
Thách thức 

Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm một cách đáng kể. Tỷ lệ tử vong của sản phụ cũng giảm từ 233 ca xuống còn 85 ca tử vong/100.000 ca đẻ thành công trong vòng 15 năm qua.

Theo ông Daniel Mont: Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về giới. Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được thực thi. Tuy nhiên, vấn đề giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Điều này thể hiện ở một số thực trạng như: Sự chênh lệch tỷ lệ nam – nữ khi sinh, bạo lực gia đình, khoảng cách giới trong việc làm, thu nhập; khoảng cách giới trong một số nhóm dân tộc thiểu số khá cao; nam giới tham gia nhiều hơn trong các chương trình đào tạo liên quan đến chế tạo, sản xuất và xây dựng…

Nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn vẫn chiếm đa số trong số người nghèo. Tỷ lệ nghèo của người già tập trung nhiều vào nữ giới. Vấn đề HIV/AIDS và bạo lực dựa trên cơ sở giới vẫn còn ở mức cao trong khi tình trạng chênh lệch giới khi sinh có xu hướng tăng. Phụ nữ vẫn thường làm các công việc dễ bị tổn thương. Tỷ lệ bạo hành thể xác chiếm 31,5% và tỷ lệ bạo hành tinh thần chiếm đến hơn 50%. Trong lĩnh vực lao động việc làm, phụ nữ thường phải làm công việc dễ bị tổn thương, tại các cơ sở kinh doanh cá thể, công việc gia đình không được trả lương; tỷ lệ rời bỏ lao động nông nghiệp ở nữ thấp hơn nam giới; phụ nữ vẫn là đối tượng đầu tiên bị cắt giảm công việc khi khủng hoảng kinh tế diễn ra.

Theo bà Lê Thị Nhung, mặc dù đã có nhiều cải thiện  tích cực trong mối quan hệ giới ở TP HCM nhưng khuynh hướng thiên vị giới vẫn còn làm tăng bất bình đẳng giữa nam và nữ. Ví dụ: Có sự khác biệt lớn trong tỷ lệ nam giới và nữ giới có cùng thu nhập với công việc tương tự như nhau, ưu tiên tuyển nam hơn là nữ vẫn phổ biến, nữ thường phải chấp nhận trả công lao động thấp hơn nam giới ở cùng một loại việc; phụ nữ phải dành nhiều thời gian làm các công việc gia đình nên ít có cơ hội để tham gia vào các hoạt động đào tạo nâng cao chuyên môn…

Can thiệp để hướng tới bình đẳng giới
 
Báo cáo của WB đã đề xuất 4 nhóm khuyến nghị giúp Việt Nam tiếp tục hướng tới bình đẳng giới gồm: Các cấp chính quyền và các ban, ngành cần tăng cường thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới; giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường hoạt động đào tạo và các cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau; quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho nam giới và nữ giới như nhau để nữ giới tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện Gia đình và Giới cho rằng, với việc sử dụng các phương pháp phân tích về vấn đề giới một cách phù hợp, bản báo cáo đã thể hiện sự cân đối trong đánh giá thành tựu và thách thức, nêu ra một số khuyến nghị khả thi hướng tới bình đẳng giới trong những năm sắp tới, nhất là những biện pháp xuyên suốt.

Tuy nhiên, theo ông Minh, sự khác biệt giới được bản báo cáo nêu lên quá nhiều. Không phải tất cả những khác biệt giới đều là bất bình đẳng giới. Do đó, cần chỉ ra một cách rõ ràng để có hướng khắc phục.

Còn theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ,TB&XH: Bản báo cáo là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình, dự án liên quan đến bình đẳng giới, nhất là trong bối cảnh nước ta đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (MIC).

"Báo cáo của WB đã tiếp cận vấn đề khá cụ thể và đa chiều. Tuy nhiên cần nhấn mạnh, phân tích thêm về mối quan hệ dân số, giới và di cư để dự đoán những vấn đề mới có thể xảy ra. Bình đẳng giới sẽ được thực hiện tốt hơn ở Việt Nam nếu chúng ta tạo cơ hội bình đẳng để nữ giới cạnh tranh lành mạnh với nam giới.
 
Ngày nay, phụ nữ có cơ hội tham gia vào nhiều lĩnh vực kể cả chính trị. Con đường người phụ nữ đi không nhất thiết phải đi đường thẳng mà họ có thể tự vươn lên, khẳng định trong lĩnh vực kinh tế – xã hội rồi bước sang chính trị. Nếu không có "cú hích" quyết tâm chính trị thì sẽ có nguy cơ thụt lùi về bình đẳng giới".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
(Chủ tịch Dự án Đại học Trí Việt)

Giadinh.net.vn