Trong khuôn khổ Hội nghị kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7. Năm 2022, còn là một cột mốc đánh dấu và nhìn lại một chặng đường sau 5 năm (2017-2022) Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Từ thực tiễn triển khai cho thấy, tầm quan trọng của công tác dân số và tính đúng đắn trong việc chuyển trọng tâm chính sách Dân số từ Kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và Phát triển.
Lãnh đạo Chi cục Dân số đón nhận Huân chương lao động hạng ba
- Kết quả đạt được
Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những nét chuyển biến hết sức tích cực trong thực hiện các mục tiêu về Dân số:
1.1. Về quy mô và cơ cấu dân số
– Quy mô dân số Thành phố hiện có xu hướng tăng chậm, tính đến cuối năm 2021 quy mô dân số là 9.166.840 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,74%, tỷ lệ tăng dân số cơ học là 1,3%.
– Tổng tỷ suất sinh đang có xu hướng tăng trở về mức hợp lý mặc dù vẫn còn rất thấp, năm 2017 tổng tỷ suất sinh là 1,35 đến năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ.
– Đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng, trong giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hàng năm đạt trên 70%, trong đó sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại duy trì đều ở mức trên 60%.
– Năm 2017, tỷ số nạo phá thai của Thành phố là 42,1 ca nạo/100 ca sinh sống được kéo giảm còn 29,03 ca nạo/100 ca sinh sống trong năm 2021 (vượt so với chỉ tiêu kế hoạch 45/100), cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Tỷ lệ phá thai của người chưa thành niên được kiểm soát dưới 3% (năm 2017, tỷ lệ phá thai vị thành niên là 2,6% được kéo giảm còn 1,72% vào năm 2021).
– Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm được duy trì ở mức hợp lý từ 106 đến 107
trẻ trai /100 trẻ gái.
1.2. Về chất lượng dân số
– Tỷ lệ bà mẹ đang mang thai được Sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được Sàng lọc đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả ghi nhận năm 2021, có 85,62% bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất, 82,78% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
– Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, vai trò người cao tuổi không ngừng được phát huy trong cộng đồng, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố ở mức khá cao 76,2 tuổi vào năm 2021.
– Chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167,8 cm, nữ đạt 155,6 cm vào năm 2019.
1.3. Về phân bố dân số
Theo số liệu của năm 2021, dân số thành thị là 7.066.180 người, dân số nông thôn là 2.100.660 người. Xét trên bình diện các tiêu chí về phân bố dân số, cho thấy:
– Thành phố có sự phân bố dân số không đồng đều, tập trung tại các quận trung tâm với mật độ dân số rất cao, có 04 quận có mật độ dân số rất cao gồm: quận 4 (42.072 người/km2), quận 10 (40.134 người/km2), quận 11 (40.889 người/km2), quận 3 (38.646 người/km2). Trong khi đó, huyện Củ Chi, Cần Giờ có mật độ dân số khá thấp tương ứng là 1.083 người/km2 và 108 người/km2.
– Thành phố Thủ Đức có số dân đông nhất với 1.208.328 người, có 02 quận, huyện có dân số trên 700 ngàn dân (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), có 02 quận, huyện có dân số trên 600 ngàn dân (quận 12, Gò Vấp), 02 quận, huyện trên 500 ngàn dân (quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn), các quận, huyện còn lại dưới 500 ngàn dân.
Những thành tựu đạt được của công tác Dân số vừa nêu đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2021.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Dân số cơ bản cho cán bộ cơ sở
- Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, công tác Dân số tại thành phố trong 5 năm qua cũng bộc lộ các tồn tại, khó khăn được xác định rõ để khắc phục, cụ thể:
– Tổng tỷ suất sinh của Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có sự cải thiện, nhưng hiện vẫn ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (tổng tỷ suất sinh năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ), hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, …
– Tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát, tuy nhiên nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp can thiệp hiệu quả đã và đang triển khai thì tỷ số này vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới.
– Dân số đông, mật độ dân số cao (4.374 người/km2, số liệu năm 2021), biến động dân cư rất lớn; phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề liên quan đến Dân số và Phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, … là những áp lực khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về Dân số.
– Nội dung về nâng cao chất lượng dân số trong quá trình triển khai có những
hoạt động còn chưa có sự tập trung, sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần… cho người dân. Người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, nên thiếu sự chủ động và sẵn sàng khi tham gia việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tình trạng nạo phá thai có giảm nhưng vẫn còn cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng Dân số về sau.
– Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của Thành phố là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8% (Tổng điều tra
dân số và nhà ở năm 2019). Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt tác động đến thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, … Ngoài ra, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng.
- Một số định hướng công tác dân số cho giai đoạn 2021-2025
Ký kết phối hợp tuyên truyền công tác Dân số với các đoàn thể
Để góp phần phát huy những kết quả đạt được và kịp thời giải quyết các mặt còn hạn chế, công tác Dân số tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
– Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân số và phát triển.
– Xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh bổ sung các chính sách trong lĩnh vực Dân số thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, trong đó ưu tiên các nhóm chính sách về: Nhóm chính sách nhằm giải quyết nhiệm vụ trọng tâm các vấn đề mới (Mức sinh thấp; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số; sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi); Nhóm chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác dân số, nhất là đối với cán bộ cơ sở, cộng tác viên dân số cơ sở.
– Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, vận động về công tác Dân số. Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động Truyền thông – Giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng tác động.
Tổ chức hội nghị chuyên đề “Vấn đề mức sinh thấp và nâng cao chất lượng dân số” đến lãnh đạo Ban Tuyên giáo các quận, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức và các Đảng ủy cấp trên cơ sở
– Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Dân số đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách Dân số và Phát triển.
– Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác Dân số. Tăng mức đầu tư kinh phí của thành phố cho công tác Dân số, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, đảm bảo đủ kinh phí triển khai toàn diện công tác Dân số cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng Dân số.
– Vận hành và nâng cao chất lượng hoạt động của kho dữ liệu dân cư cấp Thành phố và quận – huyện, phấn đấu các thông tin chuyên ngành Dân số được cập nhật có tỷ lệ sai số thấp nhất so với thực tế.
- Kết luận
Dân số luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Việc nỗ lực giải quyết các nhóm vấn đề cấp thiết của công tác Dân số Thành phố trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng để góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số Thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai. Công tác Dân số chỉ thành công khi có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tất cả mọi người dân.
Hưởng ứng thông điệp chủ đề của Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2022 và định hướng theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác Dân số trong tình hình mới. Ngành Dân số Thành phố cam kết luôn nỗ lực phát huy, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Dân số năm 2022, tất cả vì mục tiêu nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố./.