Dân số Việt ‘già trước khi giàu’?

0
270

Dân số Việt Nam đang đối diện với thách thức “kép”: là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm.

Người già cần được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn – Ảnh: DUYÊN PHAN

Làm sao để người cao tuổi… sống khỏe? Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông PHẠM CHÁNH TRUNG, chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nói: “Chúng ta sẽ khó có thể thích nghi được với quá trình già hóa dân số nếu không có sự chuẩn bị phù hợp ngay từ bây giờ. Các nhà nhân khẩu học thường dùng một thuật ngữ đó là dân số của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “già trước khi giàu”.

Ngoài mức sinh thấp, câu chuyện thời gian tới của TP.HCM sẽ là thích nghi như thế nào với “già hóa dân số”.

Một người cao tuổi đối mặt ít nhất ba loại bệnh

* “Già hóa dân số” của TP.HCM đang ở mức độ nào, thưa ông?

– Già hóa dân số chịu tác động sâu sắc bởi mức sinh thấp, mức tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của TP.HCM khoảng trên 841.000 người, chiếm tỉ lệ 9,3 – 9,6% trên tổng cơ cấu dân số. Với tỉ lệ này, TP.HCM đã ngấp nghé tiến trình già hóa dân số (từ 10% là già hóa).

* Như số liệu vừa công bố, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,2 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Như vậy có thể hiểu người cao tuổi có 12 năm sống trong bệnh tật?

– Không hẳn 12 năm này người cao tuổi sống trong bệnh tật. Nhưng số năm còn lại người cao tuổi phải sống với những thách thức khi đối mặt với vấn đề về mặt sức khỏe.

Các cuộc khảo sát cho thấy người cao tuổi cả nước và TP.HCM đang đối diện với nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe. Bình quân mỗi người mắc khoảng ba loại bệnh mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…), chưa kể tuổi tác cũng làm cho các chức năng của cơ thể suy giảm đáng kể.

Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm suy yếu khả năng tham gia các hoạt động xã hội, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi…

Hướng đến “già hóa thành công”

* Theo ông, người cao tuổi hiện nay cần gì?

– Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận rằng có trên 80% người ở độ tuổi trung niên mong muốn khi về già được sống ở nhà, cùng với gia đình và con cháu.

Còn với người cao tuổi, họ quan tâm ba điều là sống bao lâu, sống ở đâu, qua đời như thế nào? Và mong muốn của nhiều người là sống thọ, sống ở nhà, qua đời trong khỏe mạnh.

Như vậy, người làm chính sách phải tạo ra các mô hình sinh hoạt cho người cao tuổi thích nghi, chẳng hạn như mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng.

Cần truyền thông việc đón nhận tuổi già một cách vui vẻ. Họ cần được hỗ trợ để có kỹ năng tự chăm sóc, và nếu có thể, góp sức hỗ trợ người cùng tuổi bị suy giảm sức khỏe. Đây là những kỹ năng cần thiết giúp người cao tuổi bước vào giai đoạn “già hóa thành công”.

* Cần làm gì để chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi, thưa ông?

– Hiện nay các bệnh viện đều tập trung phát triển chuyên ngành lão khoa. Như vậy, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi có thể nói là khá tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu.

Đề xuất này theo tôi là cần thiết nhưng chưa đủ. Song song việc này, cần bổ sung hướng tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật, tức làm sao hạn chế tối đa việc phải vào bệnh viện điều trị bằng các giải pháp chuẩn bị sức khỏe từ giai đoạn trước khi già. Đồng thời, có các biện pháp chăm sóc quản lý sức khỏe người cao tuổi ở cộng đồng.

* Biện pháp đó là gì, thưa ông?

– Hiện nay, một số mô hình chúng tôi đã xây dựng như câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi tại cộng đồng. Ở đó, người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn hỗ trợ cho người cao tuổi có sức khỏe yếu hơn từ vấn đề hỗ trợ thông tin, kiến thức đến chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang trong quá trình thí điểm mô hình Tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi già yếu, neo đơn. Với các trường hợp neo đơn không có khả năng tự chăm sóc, các tình nguyện viên sẽ định kỳ đến chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các sinh hoạt, trò chuyện, thăm hỏi…

Tại sao chúng ta có “nhà trẻ” mẫu giáo nhưng mô hình “nhà già” cho người cao tuổi hầu như còn rất hạn chế? Đây cũng chính là trăn trở và chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày.

Với mô hình này, người cao tuổi sẽ được người nhà đưa đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí cùng những người bạn cùng tuổi vào ban ngày, được đón về vào buổi chiều tối. Tôi cho rằng đây là xu hướng trong tương lai, đòi hỏi sự chung tay từ các nguồn lực xã hội hóa.

Chú ý mô hình “già hóa thành công”

Ông Phạm Chánh Trung nói, với truyền thống đạo lý của dân tộc, gia đình sẽ là điểm tựa vững chãi về tinh thần cho người cao tuổi.

Do vậy bên cạnh sự chia sẻ, các gia đình cần tránh làm cho người cao tuổi cảm thấy không còn khả năng đóng góp hay có ích và bị phụ thuộc. Không chỉ người cao tuổi mà ngay cả người trẻ sống trong mỗi gia đình cần phải học cách thích nghi sống cùng với việc già hóa dân số.

Điều quan trọng nhất là xã hội cần phải tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng già hóa dân số bằng mô hình “già hóa thành công”. Mô hình này dựa trên ba trụ cột liên hệ chặt chẽ với nhau bao gồm sức khỏe tốt, kinh tế tốt và môi trường xã hội tốt.

Thông tin chi tiết xem tại đây.