Đề phòng tai biến sản khoa: Nỗi lo rau tiền đạo

0
667

GiadinhNet – Rau tiền đạo – một trong những nguyên nhân gây tai biến sản khoa khiến nhiều sản phụ lo lắng.

 

Rau thai phát triển bình thường và các dạng rau tiền đạo.

Những ca tai biến này vừa đe dọa nghiêm trọng tính mạng của sản phụ và thai nhi vừa là thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, xử trí kịp thời sẽ cứu được nhiều sản phụ và thai nhi tránh khỏi tai biến đáng lo này.

Thường xảy ra trong 3 tháng cuối kỳ

Mang thai ở tháng thứ 7, chị Thanh (Kiến An, Hải Phòng) bị ra máu. Cả gia đình lo lắng khi lượng máu ra ngày càng nhiều. Khi được chuyển đến Bệnh viện Kiến An, chị được bác sĩ sản khoa chẩn đoán chảy máu do rau tiền đạo. Chị Thanh được chỉ định điều trị và chăm sóc tại bệnh viện đến ngày sinh.

Cũng điều trị tại đây, chị Bích đang mang thai lần thứ ba bị ra máu ở tháng thứ 6. Chị cho biết, những lần trước sinh con bình thường chẳng có vấn đề gì, kể cả lần thứ hai chị sinh đôi. Hôm trước, đang ngồi ăn sáng thấy ra máu, có hiện tượng dọa sảy thai chị vội vàng vào viện. “Nhà em bảo tuần này chuyển em lên Hà Nội, có nhà chị gái trên đấy cho yên tâm, nhưng các bác sĩ ở đây bảo em bị rau tiền đạo thấp, chỉ cần theo dõi đầy đủ là được. Em cũng không biết nên thế nào, lại thấy bảo tuyến trên cũng quá tải lắm” – chị Bích băn khoăn.

Cùng trông con tại bệnh viện, mẹ chồng chị Bích bàn với con trai “khi nào nó đẻ thì mổ cho nhanh, đỡ phải lo”. Bác sĩ điều trị cho biết, chị Bích mới có hiện tượng rau bám thấp vẫn có thể đẻ thường. Tuy nhiên, với những ca sản phụ tử vong do băng huyết ồ ạt vì rau tiền đạo bịt kín lối ra của thai nhi, nhiều gia đình như chị Thanh, chị Bích lo ngại cho sự an toàn của cả mẹ và con.

TS Lưu Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Rau tiền đạo là một biến chứng không thể ngừa trước, nó gắn liền cùng quá trình phát triển tự nhiên của bào thai. Bánh rau thuộc phần phụ của thai có nhiệm vụ trao đổi oxy, khí carbonic và các chất dinh dưỡng cho thai. Với đường kính khoảng 20cm, trọng lượng bằng khoảng 1/5 trọng lượng của thai nhi, bình thường bánh rau bám vào đáy tử cung, có thể ở mặt trước hoặc sau. Tuy nhiên, trong quá trình thai nhi phát triển, vì một số lý do nào đó mà bánh rau bám vào đoạn dưới của tử cung hoặc vào cổ tử cung thì gọi là rau tiền đạo. Chính hiện tượng này là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong thời kỳ có thai, khi chuyển dạ và thậm chí sau sinh.

Biểu hiện chính của rau tiền đạo là chảy máu âm đạo đột ngột, không đau, chảy máu tự nhiên, đỏ tươi có lẫn cả máu cục và tự cầm. Theo BS Yên Lâm Phúc – Học viện Quân y thì điều nguy hiểm nhất là tình trạng chảy máu có đặc điểm là luôn tái phát, tăng dần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bà mẹ và là nguyên nhân chính khiến người mẹ tử vong. Rau tiền đạo còn gây sinh non, bởi vì các biến chứng hầu như xảy ra vào trước tháng thứ 8 của thai kỳ, ít trường hợp giữ thai được đến ngày đẻ. Do vậy, hầu hết những đứa trẻ sinh ra trong trường hợp này đều là thai non tháng và sức khỏe chưa đầy đủ.

Thăm khám đều đặn, xử trí kịp thời
 

Tỉ lệ rau tiền đạo là 1/200 trường hợp phụ nữ mang thai nhưng cũng hay gặp ở những phụ nữ có tử cung phát triển bất thường, phụ nữ đã sinh đẻ nhiều, đã mang thai đôi, thai ba… Tỉ lệ những phụ nữ dễ mắc rau tiền đạo cũng hay gặp ở những người có vết sẹo cũ ở tử cung do đã từng mổ lấy thai, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai. Phụ nữ hút thuốc lá hay có con khi tuổi đã cao cũng tăng nguy cơ bị rau tiền đạo.

Rau tiền đạo thường được biết trước khi sinh nhờ sản phụ đã biết đi thăm khám thai sớm. Hiện nay, với sự phát triển của y học nói chung và chuyên ngành sản khoa nói riêng, việc chẩn đoán rau tiền đạo thường phát hiện sớm, chủ động ngay từ khi chưa có biểu hiện chảy máu bằng phương pháp siêu âm. Theo TS Hồng, không phải bất cứ ai bị rau tiền đạo đều phải mổ đẻ; chỉ có rau tiền đạo trung tâm – bánh rau che hết cổ tử cung khiến thai không ra được – gây chảy máu nhiều, mới phải mổ đẻ.

Đối với trường hợp rau tiền đạo chỉ bám thấp không cản trở lối ra của thai hoặc nếu bánh rau sát với cổ tử cung hoặc che một phần thì sản phụ có thể nghỉ tại giường để theo dõi, đi lại ít và tránh quan hệ tình dục. Trong trường hợp sản phụ ra máu nhiều cần phải đến bệnh viện phụ sản để được theo dõi, chăm sóc. Các nguy cơ lớn có thể gặp trong tình huống này bao gồm băng huyết, choáng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo thành máu cục, nếu mất nhiều cần phải truyền máu và có thể can thiệp phẫu thuật khi cần thiết. Có những trường hợp mẹ bị rau tiền đạo thai chưa đủ 36 tuần dễ bị tử vong hoặc thai có thể bị mất trong khi mổ lấy thai. Các bác sĩ luôn phải cân nhắc giữa nguy cơ chảy máu và nguy cơ đẻ non của thai. Trong trường hợp chẩn đoán rau tiền đạo trung tâm, thai phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai để phòng ngừa nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.

Theo BS Yên Lâm Phúc, đứng trước chẩn đoán rau tiền đạo, về mặt nguyên tắc, các bà mẹ cần được ở lại bệnh viện để theo dõi và điều trị hạn chế vận động hay bất kỳ một chấn động nhỏ nào ở vùng bụng để tránh kích thích tử cung gây chảy máu. TS Hồng lưu ý: Sản phụ nên thăm khám thai thường xuyên trong 3 tháng cuối kỳ tại bệnh viện phụ sản. Ở một vài phòng khám tư, một số kỹ thuật viên không có kinh nghiệm lâm sàng về sản khoa nên việc chẩn đoán hình ảnh siêu âm chưa tốt sẽ không có được sự phát hiện và tư vấn kịp thời về rau tiền đạo. BS Phúc cũng khuyến cáo: Khám thai định kỳ, sớm phát hiện rau tiền đạo và xử trí kịp thời là lời khuyên tốt nhất dành cho những bà mẹ nằm trong tình huống cấp cứu sản khoa này.
 
Hà Anh