Đánh giá của cử tri “nghiệt ngã” nhưng công bằng

0
103

GiadinhNet – Phát biểu đánh giá về báo cáo hoạt động của Quốc hội nhiêm kỳ khoá XIII, đại biểu Huỳnh Nghĩa đoàn Đà Nẵng cho rằng, đánh giá của cử tri đôi lúc là nghiệt ngã nhưng cũng công bằng.


Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng.

Thảo luận ở hội trường về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) nhiều đại biểu đánh giá cao báo cáo của Quốc hội đồng thời chỉ ra các hạn chế của hoạt động Quốc hội.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, đoàn Cần Thơ, Quốc hội khoá XIII đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Đây là một nhiệm kỳ Quốc hội ban hành nhiều Bộ Luật nhất, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát. Đây là sự thành công của Việt Nam.

Cử tri đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm các vấn đề như đại biểu vắng mặt, ít phát biểu. Các dự thảo Luật làm không đạt chất lượng. Luật ban hành nhưng phải chờ thông tư hướng dẫn.

Đầu tư cho nông nghiệp chậm, điệp khúc được mùa mất giá. Sau giám sát chưa được quan tâm giải quyết. Nợ công, nợ quốc gia tăng nhanh. Về bài học kinh nghiệm thì chất lượng đại biểu quốc hội ảnh hưởng lớn đến hoạt động của quốc hội. Đề nghị bổ sung thêm vai trò của truyền thông trong hoạt động của quốc hội để truyền tải thông tin cho người dân được biết.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên đánh giá, báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội đã khái quát đầy đủ, toàn diện những thành quả, hạn chế của Quốc hội. Từng đại biểu đều nhận thấy ưu khuyết điểm của mình.

Các đại biểu đều chung suy nghĩ, tình cảm là tự hào là đại biểu Quốc hội khoá XII. Mới ngày nào các đại biểu còn lạ lẫm với chỗ ngồi và cách bấm nút phát biểu nhưng giờ sắp hết nhiệm kỳ. Mỗi đại biểu Quốc hội dù thẳng thắn ở nghị trường hay lặng lẽ đều góp phần nói lên tiếng nói của nhân dân. Khi đã là đại biểu Quốc hội ai mà không trăn trở trách nhiệm với dân, với nước.

Đại biểu không thể làm ngơ trước một số hạn chế như có đại biểu vi phạm pháp luật, phát biểu chưa chuẩn. Việc truy đến cùng ý kiến nhân dân đưa ra còn hạn chế.

Nhận xét về hoạt động của Quốc hội, đại biểu Trần Khắc Tâm đoàn Sóc Trăng cho rằng, với hơn 70 Luật được thông qua sau 2 năm khi Hiến pháp được thông qua cho thấy được khối lượng lớn công việc của Quốc hội. Tuy nhiên, Luật tốt, thể chế tốt nhưng con người thực hiện không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề. Bộ máy cồng kềnh thì không giải quyết được chế độ tiền lương, tiền lương không giải quyết được thì vẫn còn tham nhũng.

Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng đánh giá, 5 năm chưa dài nhưng là cơ sở để đánh giá khách quan hoạt động của Quốc hội. Không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, các báo cáo chuyên đề, thẩm tra ngày càng tốt hơn. Các phiên chất vấn, giải trình ngày càng được cải tiến, thu hút sự quan tâm của cử tri và truyền thông.

Về tổ chức và phương thức hoạt động, chưa thực hiện hết quyền mà pháp luật quy định. Mối quan hệ với các cơ quan hữu quan còn lúng túng, công tác phòng chống tham nhũng chưa cao.

Làm Luật còn chắp vá, Luật chưa đi vào thực tế, Quốc hội thông qua rồi, dư luận không đồng thuận và phải sửa lại. Làm luật đã khó, tốn tiền bạc của dân. Việc tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách nhưng vẫn còn đại biểu chưa làm tròn trách nhiệm, chưa năng nổ, thiếu nghiên cứu, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm thì làm sao xứng là người đại biểu của nhân dân. Sự đánh giá của cư tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng công bằng.

Về hạn chế của hoạt động ban hành Luật, đại biểu Khúc Thị Duyền, Thái Bình đánh giá là chất lượng chưa cao như Luật xử lý vi phạm hành chính, Toà án là người đưa người vi phạm vào trường giáo dưỡng, luật đưa ra nhưng chưa có nguồn lực phục vụ. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội phải sửa, có trường hợp nhà chính sách xây xong, chủ chết nhưng chưa có tiền hỗ trợ…

Về công tác giám sát có nhiều đổi mới, thu hút sự chú ý của cử tri qua 3 nội dung lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn chính phủ và các thành viên chính phủ, lựa chọn nội dung giám sát. Tuy nhiên, giám sát có cuộc chưa hiệu quả, giám sát một số nội dung chưa chuyên sâu.

Để giám sát có hiệu quả Quốc hội, đại biểu Duyền góp ý nên chọn nội dung giám sát, chọn 1, 2 nội dung giám sát, giám sát chuyên sâu, giám sát chi tiết. Thành phần đoàn giám sát cần phải có các cán bộ chuyên sâu, trưởng đoàn cần là lãnh đạo Quốc hội để đưa ra các kết luận.

Minh Anh/Báo Gia đình & Xã hội