Tổng thư ký Quốc hội nói gì về việc văn nghệ sỹ ứng cử Đại biểu Quốc hội?

0
53

GiadinhNet – “Nếu mà đại biểu chỉ biết hát không thôi thì rất khó”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu văn nghệ sỹ chỉ mỗi hát hay thôi thì rất khó.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu văn nghệ sỹ chỉ mỗi hát hay thôi thì rất khó.

Chiều 18/3, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII. Nhiều nội dung quan trọng sẽ được kỳ họp Quốc hội lần này quyết định trong đó có việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký Quốc hội, cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 4 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 7 dự án Luật gồm: Luật tiếp cận thông tin, Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi);

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế GTGT; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi.

Quốc hội dành 4,5 ngày về công tác giám sát và quyết định những vẫn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội dành 10,5 ngày từ ngày 31/3 đến ngày 12/4 để xem xét, quyết định về công tác nhân sự của Nhà nước.

Quốc hội sẽ có 10 buổi phát thanh truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam và và Đài tiếng nói Việt Nam.

Về nội dung Quốc hội tập trung xem xét và quyết định công tác nhân sự Nhà nước trong kỳ họp lần này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, vì đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cho nên cần phải làm sớm, làm từ đầu năm.

Về nhận định các đại biểu tự ứng cử và sau đó trúng cử có tiếng nói “mạnh mẽ hơn” so với các đại biểu do tổ chức giới thiệu, ông Phúc cho rằng, không có điểm nào phân biệt giữa đại biểu được tổ chức giới thiệu và ứng viên tự ứng cử. Các đại biểu này bình đẳng trước pháp luật. “Hiện chúng tôi đã nhận được 90% hồ sơ của các ứng viên gửi về, họ đều kê khai như nhau, không có sự phân biệt gì cả” – ông Phúc cho biết.

Ông Phúc cho rằng, Đại biểu Quốc hội phải phát biểu đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, phát biểu sai thì dân không đồng tình. Không ai có thể nói khác ý kiến của dân, đứng trên dân được. Không phải ai đó vào đại biểu quốc hội rồi thì muốn nói gì thì nói.

Việc văn nghệ sỹ tự ứng cử vào quốc hội, ông Phúc cho rằng điều này chứng tỏ các văn nghệ sỹ rất yêu Quốc hội. Tuy nhiên, văn nghệ sỹ ứng cử đại biểu không chỉ có hát hay mà phải có năng lực, có thể tham gia xây dựng các dự án luật, giám sát việc thực hiện liên quan đến trọng trách của mình, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. “Nếu mà đại biểu chỉ biết hát không thôi thì rất khó” – ông Phúc nói.

Hiện các cá nhân tự ứng cử giới thiệu rất nhiều về chương trình hành động của mình, ông Phúc cho biết đây là quyền tự do của cá nhân. Việc giới thiệu trên các trang mạng cá nhân là quyền của người ta, có ai cấm đoán được. Các ứng viên này cũng sẽ phải trải qua các hội nghị hiệp thương.

Minh Anh/Báo Gia đình & Xã hội