Hồ sơ sức khỏe điện tử: Thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối

0
231

GiadinhNet -Theo dự kiến, từ năm 2019, mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khoẻ điện tử. Hồ sơ này giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình.


Các đại biểu nhấn nút Khởi động xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Các đại biểu nhấn nút Khởi động xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Phát biểu tại buổi lễ khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế khẳng định việc quản lý hồ sơ sức khỏe là một việc làm hết sức quant trọng. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết: Khi có hồ sơ điện tử, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Hồ sơ sức khoẻ điện tử là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, phần mềm hồ sơ điện tử y tế (EHR) sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân. Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Dự kiến, tháng 1.2019 đến tháng 6.2019 sẽ triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm. Từ tháng 7.2019, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến nửa cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

M.H t/h