|
Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở là sự kiện có sức lan tỏa rất lớn trong toàn Ngành, từ Trung ương đến địa phương năm vừa qua. Ảnh: Chí Cường. |
Năm 2012 là năm đầu tiên ngành Dân số triển khai thực hiện Chiến lược DS/SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 với nhiều chỉ tiêu cần phải đạt.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân; sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của cơ quan DS-KHHGĐ các cấp… Công tác DS-KHHGĐ năm 2012 đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ Trung ương xuống cơ sở và đã đạt được các chỉ tiêu kế hoạch năm. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm qua.
1. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc là sự kiện đã thu hút sự tham gia của trên 70.000 cán bộ dân số cơ sở của gần 9.000/11.121 xã, phường, thị trấn trong cả nước với hàng trăm ngàn khán giả cổ vũ ở mỗi cấp thi.
Liên hoan được tổ chức thi ở 4 cấp: Cấp huyện (với 647/697 huyện), cấp tỉnh (63/63 tỉnh/TP), cấp khu vực (Bắc-Trung-Nam) và cấp toàn quốc. Đây là sự kiện có sức lan tỏa rất lớn trong toàn Ngành, từ Trung ương đến địa phương năm vừa qua. Liên hoan là dịp để các cán bộ dân số cơ sở giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông DS-KHHGĐ.
2. Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 với các Bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương. Tại địa phương, Chi cục DS-KHHGĐ đã ký kết chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Chương trình thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể chung tay cùng Ngành Dân số vì sự nghiệp dân số nước nhà, vì sự ổn định của xã hội và phồn vinh của đất nước.
3. Hội thảo Quốc gia về giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì với sự tham dự của các đại biểu của các Bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội, các tổ chức, chuyên gia quốc tế và lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ 63 tỉnh/thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, Trung ương và địa phương.
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề rất bức xúc và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quốc tế và toàn xã hội. Sau Hội nghị, Bộ Y tế đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Ban Bí thư TƯ Đảng ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam”. Hội nghị là một sự kiện lớn của Ngành trong năm qua và tạo tiền đề cho các hoạt động về vấn đề này trong những năm tiếp theo.
4. Lần đầu tiên tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 0,4 điểm phần trăm/năm, trong khi giai đoạn trước đó là 0,7 – 1,15 điểm phần trăm/năm.
Cũng trong năm 2012, lãnh đạo Bộ Y tế đã dẫn đầu 10 đoàn công tác đến làm việc với Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước nhằm nỗ lực tìm kiếm các giải pháp từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.
5. Năm thứ bảy liên tiếp, mức sinh của Việt Nam dưới “mức sinh thay thế”. Năm 2006, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam là Việt Nam đạt được “mức sinh thay thế”. (Mức sinh thay thế là mức sinh mà phụ nữ trong cùng một đoàn hệ có vừa đủ số con gái (tính trung bình) để “thay thế” mình trong dân số. Để đơn giản và thông dụng, người ta dùng chỉ số “tổng tỷ suất sinh -TFR =2,1 con) (TFR: số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi)- PV).
Từ đó đến nay,“mức sinh thay thế” của Việt Nam luôn được giữ vững, ổn định. Tạo cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
6.Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia DS- KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015. Điều này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ đối với công tác DS-KHHGĐ trong cả nước, coi công tác DS-KHHGĐ là một mục tiêu quan trọng đặc biệt của quốc gia.
Chương trình nhằm đạt được mục tiêu chung là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
7. Tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai được triển khai chính thức trong toàn hệ thống ngành DS-KHHGĐ từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là việc ra mắt nhãn hiệu NightHappy do Tổng cục DS-KHHGĐ là chủ sở hữu, đánh dấu bước chuyển biến hết sức cần thiết trong việc cung cấp phương tiện tránh thai.
Từ năm 2012, chỉ tiêu tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai đã được đưa vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm nhằm từng bước chuyển dịch từ miễn phí phương tiện tránh thai sang thị trường tự do có chọn lọc.
8. Hệ thống mạng riêng ảo (VPN) được triển khai kết nối trong toàn Ngành Dân số từ Trung ương đến địa phương (đến cấp huyện).
Hệ thống này đảm bảo việc chuyển nhận thông tin, kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ từ huyện, tỉnh đến Trung ương được đầy đủ, kịp thời, chính xác, phục vụ sự chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác DS-KHHGĐ nhanh chóng, hiệu quả.
9. Ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công tác Dân số- KHHGĐ, Liên Hợp Quốc đã chọn Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới để đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).
Việt Nam đã chủ động xây dựng Kế hoạch ICPD sau 2014 và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) sau năm 2015. Trong năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua tuyên bố DHAKA trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam. Tuyên bố nhấn mạnh việc các chính phủ thành viên cam kết thực hiện ICPD sau 2014 và MDGs sau 2015.
10. Triển khai Dự án hợp tác với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) giai đoạn 2012 – 2016 nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược Dân số và Sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Dự án sẽ hỗ trợ việc hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề DS-KHHGĐ của Việt Nam. Dự án được triển khai thể hiện sự cam kết của UNFPA luôn đồng hành cùng chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam.
Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia DS- KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015. Điều này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ và cam kết mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ đối với công tác DS-KHHGĐ trong cả nước, coi công tác DS-KHHGĐ là một mục tiêu quan trọng đặc biệt của quốc gia. Chương trình nhằm đạt được mục tiêu chung là chủ động duy trì mức sinh thấp hợp lý, khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về thể chất, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. |